Phát triển trường tư mới giảm được quá tải trường công

Tại sao Giáo dục quận Nam Từ Liêm họ làm được mà nơi khác lại không làm được? Vậy là ta chưa tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập, trường tư phát triển.

Ngày 9/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo chủ đề: “Thể chế hóa tầm nhìn, chỉ đạo của Trung ương về chuyển trường công lập sang tư thục ở địa bàn có điều kiện xã hội hóa cao”.

Tới dự hội thảo, Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, chia sẻ quan điểm về vấn đề này:

Đây là vấn đề tôi rất quan tâm và cũng đã nhiều lần nêu ý kiến tại Quốc hội, tôi đã cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo có một buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, và anh Đam cũng đang chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề ban hành các nghị định này.

Chúng tôi nghiên cứu và thấy các nghị quyết của Đảng rất đúng, rất trúng, nhưng tại sao không thực hiện được?

Tôi thấy có mấy vấn đề chúng ta cần phải quan tâm, việc quá tải sĩ số như Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Đào tạo và Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương, nói thì tại sao càng cố gắng thì quá tải lại càng lớn?

Tôi có phát biểu với anh Đam rằng bây giờ chúng ta có chuẩn Quốc gia nhưng đấy mới là mục tiêu hướng tới, tại sao ta không đưa ra tiêu chí chuẩn tối thiểu, ví dụ một trường nào đó chuẩn 35 học sinh một lớp thì không được phép tuyển thêm con số 36.

Tại sao Giáo dục của quận Nam Từ Liêm họ làm được mà nơi khác lại không làm được? Vậy là chúng ta chưa tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập, các trường tư họ phát triển.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng: Bây giờ nếu như quy định sĩ số học sinh tiểu học là 35, thì xem số học sinh trên địa bàn Hà Nội là bao nhiêu, số trường hiện có là bao nhiêu và số lớp học hiện có bao nhiêu, vậy thì còn thiếu bao nhiêu?

Đấy là tạm quy định là 35 học sinh nhưng tôi thấy các nước trên thế giới, người ta phát triển năng lực cho học sinh thì con số 35 vẫn là đông, họ chỉ từ 20 đến 25 học sinh một lớp. Vậy thì quy hoạch này cần phải đi trước một bước.

Tại sao Bộ Giáo dục không đưa ra một cái chuẩn tối thiểu? Vừa rồi giám sát luật đất đai mà Quốc hội giám sát, thì số mét vuông theo nghị định 46 là 6 mét vuông cho 1 học sinh, nhưng trước đây là đất, còn bây giờ lại là mét vuông sàn, nhưng mét vuông sàn này không đủ thì lại tiếp tục co lại còn 4, thậm chí còn 3 mét vuông.

Vậy thì ta đáp ứng quyền lợi của ai? Chúng tôi đi giám sát thấy rất vô lý vì trường tư bị o ép quá, chưa được tạo điều kiện phát triển.

Ở Lạng Sơn cho phép mở 2 trường tư trung học phổ thông, nhưng trường công lúc đó đang tuyển 400 thì tăng lên tuyển 600 học sinh, lấy cả các phòng họp giám hiệu để làm phòng học. Nếu chúng ta cứ như thế thì có tạo điều kiện cho trường tư không?

Chính sách đất đai cũng không tạo đất sạch, không quy hoạch. Vậy thì đầu tiên phải có quy định về chuẩn tối thiểu để đảm bảo chất lượng, chứ không phải chuẩn hướng tới tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Phải tạo điều kiện cho trường tư phát triển, chưa nói tới việc chuyển đổi mà phải tạo điều kiện cho trường tư đã.

Để phát triển trường tư thì không phải chỉ sĩ số, ta phải có nguồn tuyển, tạo điều kiện cho trường tư tuyển sinh, trong khi trường công cứ đông như vậy thì có lợi ích gì mà người ta không muốn nó giảm đi?

Chúng ta thấy nếu tuyển thêm 1 học sinh ở trường công thì phản ứng của xã hội rất gay gắt, người ta cần bao nhiêu tiền mới vào được trường công đó? Vậy lợi ích đó của ai, có phải của Ban giám hiệu hay của người đứng đầu trường đó? Việc này chúng ta phải làm rõ.

Việc đông học sinh như hiện nay dẫn đến mở ra biết bao trung tâm dạy thêm, ta không cho dạy thêm ở trường thì lại dạy ở các trung tâm, con em chúng ta đi học vừa về đến nhà, ăn vội bát mỳ rồi lại đi học thêm.

Vì quá tải nên giáo viên không quản được, vậy thì chúng ta có làm rõ được lợi ích này, có phải vì người học không? Chúng ta cứ nói vì lợi ích của người học nhưng thực chất có phải vậy không? Hay vì lợi ích của nhóm lợi ích nào đó?

Ta phải xem tại sao không giảm sĩ số được, điều mà Tiến sĩ Hưng có nêu là việc quá tải thì đây là bài toán đầu tiên phải giải quyết, các giải pháp khác sẽ tiếp theo sau.

Muốn giải quyết được thì việc mấu chốt là phải tạo điều kiện cho trường tư phát triển, ưu tiên cả việc tuyển sinh, đầu tư cơ sở vật chất. Thông tư 135 của Bộ Tài Chính cũng chưa hề tạo điều kiện cho các địa phương, chưa tạo điều kiện đất sạch cho Giáo dục.

Việc dồn ghép điểm trường nhưng số đất dư ra đó họ lại dùng vào mục đích khác, chứ cũng không phải dùng cho Giáo dục.

Vấn đề hỗ trợ cho trường tư thì hỗ trợ như thế nào? Đây là những cái mà tôi cho là rất quan trọng, mấu chốt khi ta tính đến vấn đề chuyển đổi.

Những nơi dồn ghép điểm trường rồi thì có thể quy hoạch, mở mang để có những trường tư chất lượng cao, ta phải có bước hút học sinh những em có điều kiện ra trường tư.

Giáo viên thì chúng ta phải tháo cả chính sách, chúng tôi đã có những Hội thảo về giáo viên rồi, giáo viên ở trường ngoài công lập họ được bồi dưỡng, đào tạo, có chuẩn tốt thì lại chuyển sang trường công, bởi vì tất cả chính sách của ta từ khen thưởng, tôn vinh, đãi ngộ…đều nằm ở trường công, vậy tất cả những cái đó ta phải bình đẳng giữa công và tư.

Tùng Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phat-trien-truong-tu-moi-giam-duoc-qua-tai-truong-cong-post203374.gd