Phát triển trường sư phạm trọng điểm: Thay đổi tư duy, tầm nhìn, hành động

Thực tế từ điểm xét tuyển đại học-cao đẳng ngành sư phạm vừa qua cho thấy yêu cầu cấp bách của việc quy hoạch lại mạng lưới các trường đào tạo giáo viên có trọng tâm, trọng điểm.

Ảnh minh họa

Đây là mục tiêu được đặt ra trong Chương trình Phát triển các trường sư phạm (ETEP) thực hiện bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, 6 trường đại học sư phạm (ĐHSP) là ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Hà Nội 2, ĐHSP TPHCM, ĐHSP - ĐH Thái Nguyên, ĐHSP Huế, ĐHSP - ĐH Đà Nẵng, cùng Học viện Quản lý Giáo dục và ĐH Vinh đã được lựa chọn để nâng cao năng lực nhằm thực hiện trực tiếp nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ người giáo viên và các cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo chuẩn nghề nghiệp.

Các trường sư phạm trên sẽ được đánh giá theo Bộ Chỉ số phát triển năng lực trường sư phạm (TEIDI) để nhận diện những điểm mạnh, điểm hạn chế trong năng lực của từng trường. Bao gồm tầm nhìn chiến lược và quản lý chất lượng; chương trình đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu, phát triển và đổi mới; hoạt động đối ngoại; môi trường và các nguồn lực; hỗ trợ dạy học; hỗ trợ người học.

Từ đó xác định rõ sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược phát triển của các trường trong giai đoạn tới, đặc biệt là trong 5 năm thực hiện Chương trình ETEP.

Trong hội thảo tập huấn Chương trình ETEP mới đây, ý kiến của đại diện đến từ các trường sư phạm cho rằng cần phải tìm ra đặc điểm riêng, sự độc đáo của mỗi trường. Sắp xếp ưu tiên các lĩnh vực quan trọng để cân đối nguồn lực triển khai phù hợp. Đồng thời, rất cần chú trọng phân tích, đánh giá xu hướng mới của quốc tế.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP TPHCM bày tỏ: “Không có khuôn mẫu chung dành cho tất cả các trường. Mỗi trường sẽ phát triển dựa trên xuất phát điểm của chính mình để đạt được từng mức điểm theo các thang đo của bộ chỉ số TEIDI. Quan trọng nhất là phải thay đổi suy nghĩ, tầm nhìn và đặc biệt là hành động”.

Trong khi PGS.TS Phùng Gia Thế, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐHSP Hà Nội 2 nhấn mạnh đến năng lực xây dựng chiến lược phát triển dựa trên việc lựa chọn vấn đề ưu tiên, khắc phục được sự tản mạn, dàn trải.

Đơn cử như trường ĐHSP (ĐH Thái Nguyên) với đặc trưng đào tạo sinh viên người dân tộc thiểu số, thời gian tới trường này chú trọng hơn tới việc phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng với những nội dung dành cho các đối tượng sinh viên đa văn hóa . Mục tiêu để khi ra trường sinh viên thích ứng được với thị trường tuyển dụng, phục vụ cho vùng dân tộc thiểu số.

PG.TS Trần Xuân Bách, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP - ĐH Đà Nẵng cũng cho rằng việc xác định ngay từ đầu điểm mạnh của trường để phát triển, điểm yếu để khắc phục sẽ giúp các trường sư phạm tìm ra lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch phát triển chứ không nên ôm đồm.

Trong thời gian tới, tại 8 trường sư phạm trên sẽ triển khai các kế hoạch phát triển chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình ETEP. Kinh nghiệm này sẽ được nhân rộng để áp dụng cho việc nhận diện năng lực và hỗ trợ sự phát triển của các trường sư phạm khác.

(theo TTXVN)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/phat-trien-truong-su-pham-trong-diem-thay-doi-tu-duy-tam-nhin-hanh-dong/320696.vgp