Phát triển trường mầm non ở KCN, KCX tại thành phố Hồ Chí Minh: Đáp ứng nhu cầu thực tế

Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung nguồn lực xây dựng trường mầm non ở địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, do tốc độ tăng dân số cơ học ở các khu công nghiệp, khu chế xuất quá nhanh nên thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm, dành thêm nhiều nguồn lực hơn nữa để phát triển trường mầm non, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường của công nhân lao động.

Một lớp giữ trẻ là con của công nhân tại Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7).

Các trường công lập mới đáp ứng được 15% nhu cầu

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất với hơn 291.600 công nhân (60% là lao động nữ). Đáng chú ý, có tới 31% nữ công nhân đang nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi, nên nhu cầu gửi con vào trường mầm non rất cao.

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, ngụ tại số 125/12D đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) và là công nhân Khu công nghiệp Tây Bắc bày tỏ tâm tư: "Công nhân như tôi chỉ có sổ tạm trú KT3, khó xin cho con vào trường mầm non công lập. Nếu xin được thì 16h30, nhà trường trả trẻ, trong khi chúng tôi hay phải làm tăng ca nên chọn trường tư thục, hoặc nhóm trẻ gia đình, dù biết là sẽ gặp nhiều bất tiện ".

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố mới chỉ đáp ứng 15% nhu cầu, 85% còn lại phải dựa vào các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Tuy nhiên, các trường tư thục bảo đảm chất lượng có mức học phí cao, gấp từ 5 đến 9 lần so với trường công lập, trong khi lương công nhân còn thấp.

Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh) Lương Thị Hồng Điệp thông tin thêm, nhu cầu trông giữ trẻ ngoài giờ (từ 16h30 đến 18h và thứ bảy hằng tuần) của công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất rất lớn. Thế nhưng, số trường mầm non tổ chức trông giữ trẻ ngoài giờ của toàn thành phố chỉ có 7/1.326 trường. Hầu hết các trường mầm non công lập không nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi. Các lớp dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi trong các trường mầm non công lập rất ít.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Trước bất cập đang đặt ra, thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm đầu tư ngân sách xây dựng nhiều trường mầm non đạt chuẩn ở địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất, phục vụ công nhân. Điển hình, Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) với tổng vốn đầu tư 53 tỷ đồng, mỗi năm tiếp nhận được hơn 500 con em công nhân vào học. Tuy nhiên, toàn thành phố hiện mới có 14 khu công nghiệp, khu chế xuất có trường mầm non, cơ sở trông giữ trẻ, với tổng số 18 trường, chỉ tiếp nhận được gần 6.300 trẻ.

Cùng với việc đầu tư ngân sách, thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích các doanh nghiệp lớn chủ động đầu tư xây dựng trường mầm non. Đơn cử, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) có gần 60.000 công nhân, trong đó 81% là nữ. Công ty đã xây dựng Trường mầm non Mặt trời nhỏ trên diện tích 5.000m2, với 20 phòng học, mỗi năm đón gần 700 cháu là con em công nhân công ty vào học.

Chị Trần Thị Thanh Thảo (quê ở Hậu Giang), có con đang học lớp Lá, Trường Mầm non Mặt trời nhỏ, chia sẻ: "Trước đây, tôi phải gửi con ngoài nhóm trẻ tư thục, nên thường xuyên phải lo lắng về chất lượng dạy, học cũng như các điều kiện trông giữ trẻ. Nay có trường mầm non của công ty, tôi rất yên tâm".

Với vai trò, nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho các công đoàn viên, các cấp Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh cũng đã vào cuộc, vận động doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ dành quỹ phúc lợi, hỗ trợ nữ công nhân có tiền gửi con dưới 6 tuổi ngoài giờ hoặc khi tăng ca, với mức hỗ trợ từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng/cháu/tháng và xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh Phạm Chí Tâm, thời gian qua, đã có 7 doanh nghiệp chủ động xây dựng 3 nhà trẻ, trông giữ hàng trăm cháu là con em công nhân. Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị các ban, ngành chức năng của thành phố có chính sách ưu đãi để khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư phát triển các trường mầm non ngoài công lập ở địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng thời thực hiện trông trẻ ngoài giờ tạo thuận lợi cho người lao động.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn thông tin, thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh nhiều giải pháp như: Nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi đại trà tại 24 quận, huyện; hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho công nhân lao động; có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội xây dựng trường mầm non ở địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất; hỗ trợ thu nhập cho giáo viên mới ra trường được tuyển dụng.

Thanh Tàu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/982883/phat-trien-truong-mam-non-o-kcn-kcx-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-dap-ung-nhu-cau-thuc-te