Phát triển trí tuệ nhân tạo: Tập hợp nguồn trí thức cộng đồng

Hơn 100 chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều ngành, lĩnh vực đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Australia, Pháp... đã góp ý 'hiến kế' cho Việt Nam phát triển AI.

Hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 21/8, được ví như một “Hội nghị Diên Hồng” về AI của Việt Nam để xác định chúng ta sẽ làm gì? và làm như thế nào? để phát triển AI trong thời gian tới. Tại đây, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ, bàn luận về những nội dung liên quan đến hiện trạng AI tại Việt Nam; những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực AI; Blockchain; AI mang lại cơ hội để bứt phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Tiến sĩ Bùi Hải Hưng - nhà nghiên cứu của Google DeepMind (Hoa Kỳ) - cho biết, AI trong vòng 10 năm trở lại đây đã có những thành tựu rất nổi bật, có thể tạo ra sự thay đổi toàn diện cho các ngành công nghiệp trên thế giới. Ví dụ như máy tính có thể hiểu giọng nói của con người, có thể nhận dạng được đồ vật từ hình ảnh. Những ứng dụng này bắt đầu lan tỏa ra nhiều mảng khác như y tế, năng lượng…

Tại Việt Nam, đã bắt đầu có những phòng thí nghiệm về AI được thành lập bởi những công ty như FPT, Zalo. Tiến sĩ Bùi Hải Hưng cho rằng, đây là những khởi đầu khá tốt. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo nhân tài thế hệ sau cho AI chưa được chú trọng thích đáng. Các trường đại học Việt Nam gặp khó khăn vì kinh phí đào tạo tương đối lớn. Do đó, cần sự đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp. “Dù Việt Nam bắt đầu chú trọng nhiều vào ứng dụng AI nhưng chưa có một nhóm hạt nhân thực sự tiếp cận môi trường nghiên cứu của AI ở mức độ đỉnh cao trên thế giới” - Tiến sĩ Bùi Hải Hưng nhìn nhận.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Viết Quốc - hiện đang làm việc tại Google Brain - cho biết, trong số các công nghệ AI hiện nay, đột phá lớn nhất là công nghệ nhận diện hình ảnh, giọng nói và hình thành ngôn ngữ tự nhiên. Việt Nam nên đầu tư mạnh vào ba mảng chính đó là đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nguồn dữ liệu mở và tạo ra mối liên kết giữa các trường đại học Việt Nam với nguồn trí thức, cộng đồng thế giới.

Trước vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Như - đến từ Công ty BRICKIN’UP (Pháp) chia sẻ, với Việt Nam, AI vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Việt Nam còn thiếu nhân lực cao cấp cũng như sự tham gia đóng góp của các chuyên gia hàng đầu người Việt trên toàn thế giới về AI. Vì vậy, Việt Nam nên tận dụng tinh thần ham học hỏi với thế mạnh về khoa học cơ bản và sức sáng tạo trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định, những người nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI cả trong và ngoài nước đang nhận được sự ủng hộ to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT... Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn sẽ hình thành những nhóm nghiên cứu về AI như nhóm chiến lược; thị trường; dữ liệu; triển khai ứng dụng; đào tạo và nghiên cứu cơ bản và mong muốn các nhà khoa học tập hợp lại, xây dựng một mạng lưới vững mạnh về AI Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy: Năm 2018 là năm cộng đồng AI Việt Nam có cơ hội thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ. Từ những ý tưởng ban đầu, đến nay AI đã mở rộng hơn, hướng đến cuộc sống, ứng dụng và có bước phát triển nhanh tại Việt Nam.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/phat-trien-tri-tue-nhan-tao-tap-hop-nguon-tri-thuc-cong-dong-108114.html