Phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Từ năm 2010 đến nay, với chính sách bao phủ toàn diện và ưu tiên nguồn lực đầu tư, cùng tinh thần chủ động, sáng tạo của người dân, nhạy bén của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhiều vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã có sự bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Nhiều đổi thay ở vùng đồng bào DTTS và miền núi

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ I (năm 2010) đến nay, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho vùng đồng bào DTTS, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.

Khoảng 10 năm trở lại đây, có dịp đi đến tận cùng địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi tuyến đầu Tổ quốc, chúng ta sẽ được chứng kiến sự đổi thay trên mỗi bản, làng, thôn, xóm, buôn, sóc. Nhiều con đường mới được mở ra; những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nở rộ. Rồi các lễ hội văn hóa, du lịch cộng đồng không ngừng được quảng bá, phát triển, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ KT-XH địa phương.

Ví như ở tỉnh Sơn La, trước năm 2010, một số nơi đồng bào các dân tộc vẫn “loay hoay” với loại cây lương thực ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Công sức bỏ ra nhiều, nhưng giá trị kinh tế đem lại không cao. Đặc biệt người nông dân chưa biết tận dụng tiềm lực, thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu của mảnh đất vùng cao. Nhận thấy tính thiết yếu của việc chuyển đổi mô hình nông nghiệp truyền thống, chính quyền địa phương chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ các đơn vị nông nghiệp triển khai đa dạng mô hình sản xuất. Nhất là chú trọng phổ biến, chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật phát triển sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS có đất canh tác chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả...

Hay như tỉnh Bắc Kạn, những năm qua đã triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án phát triển kinh tế lâm nghiệp, chính sách ưu đãi vốn tín dụng... góp phần làm thay đổi vùng miền núi, dân tộc thiểu số, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 30% năm 2010 xuống còn 19,17% năm 2020. Một trong những yếu tố để các tỉnh nghèo như Sơn La, Bắc Kạn có sự vươn lên nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

 Đồng bào các dân tộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trong ngày Tết quân dân.

Đồng bào các dân tộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trong ngày Tết quân dân.

Thực tế cho thấy, hai chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên đã trực tiếp hỗ trợ các tỉnh miền núi, biên giới xây dựng hàng vạn công trình điện, đường, trường, trạm, làm cho bộ mặt nông thôn thật sự khởi sắc, cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng một cách đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, hiện ở các tỉnh miền núi, biên giới, 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện lỵ được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 98,4% số xã có đường ô tô đến trung tâm huyện, trong đó hơn 95% số ki-lô-mét được cứng hóa; 100% xã, 97,2% thôn có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở... Các tỉnh miền núi, biên giới đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở. Đặc biệt, 6 thứ tiếng DTTS (Hoa, Thái, Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, M'Nông) đang được dạy thực nghiệm tại nhiều tỉnh/thành trong cả nước với hàng chục nghìn học sinh.

Cùng với đó, từ năm 2010 đến nay, các DTTS rất ít người (dưới 10 nghìn người) được ưu tiên tuyển sinh, thực hiện chế độ cử tuyển và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên, góp phần đáng kể trong việc cải thiện chất lượng nhân lực của các dân tộc này. Các chính sách hỗ trợ đào tạo, dạy nghề người DTTS đã hỗ trợ đào tạo khoảng hơn 1,1 triệu người, chiếm hơn 14% trên tổng số gần 8 triệu người DTTS trong độ tuổi lao động. Đến năm 2019, có 10,3% người DTTS đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ; 82,1% người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm. Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, từ năm 2010-2020, thực hiện Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, cùng với thực hiện các chính sách dân tộc, ngân sách của Trung ương đã đầu tư 30.000 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư, tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết đặt ra. So với hơn 10 năm trước, nhiều vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có sự phát triển vượt bậc.

Tập trung đầu tư, phát triển có trọng tâm, trọng điểm

Hơn 10 năm qua, Quốc hội đã thông qua 62 luật/196 điều, điều chỉnh các nội dung liên quan đến lĩnh vực DTTS và miền núi và đầu tư cho vùng KT-XH đặc biệt khó khăn. Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 phê duyệt đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030.

Nói về ý nghĩa của nghị quyết này, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Nghị quyết đã đề ra những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết một số hạn chế, bất cập hiện nay. Trong đó có việc quyết định chính sách đi liền với quyết định ngân sách; thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng với đó, nghị quyết giúp phát huy vai trò của cơ quan quản lý công tác dân tộc các cấp và vai trò giám sát của Quốc hội trong quá trình thực hiện; đồng thời tích hợp các chính sách một cách đồng bộ, thống nhất...”.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội ban hành một nghị quyết tổng thể về phát triển vùng DTTS và miền núi, nhằm tập trung, tạo nguồn lực đầu tư, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán. Tổng nguồn kinh phí cho chương trình này hơn 104.000 tỷ đồng.

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ, quyết tâm của chính phủ là phấn đấu trong 5 năm tới, thu nhập của đồng bào DTTS phải tăng gấp hai lần so với năm 2020; giảm dần, tiến tới không còn địa bàn đặc biệt khó khăn vào năm 2030. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi tín dụng, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Với sự nỗ lực cao nhất, phấn đấu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào vùng DTTS và miền núi được thực hiện triệt để, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Có thể khẳng định, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, thêm một lần nữa khẳng định tình cảm, trách nhiệm, quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư cho vùng DTTS và miền núi, nhằm sớm đưa vùng này phát triển một cách toàn diện, bền vững, đi lên cùng cả nước.

Bài và ảnh NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/phat-trien-toan-dien-ben-vung-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-645574