Phát triển tình yêu và thói quen đọc sách cho trẻ

Trong hội thảo toàn cầu của Hiệp hội giáo dục so sánh và quốc tế CIES lần thứ 63 với chủ đề 'Giáo dục để phát triển bền vững' được tổ chức tại Mỹ vào tháng 4 vừa qua, Việt Nam được chọn trình bày về việc ứng dụng và nhân rộng mô hình 'Thư viện thân thiện' trên toàn quốc.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Diệu Nương, Giám đốc của Room to Read (RtR) Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ có mặt từ năm 2001 với hai chương trình hoạt động song song là “Hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học” và “Hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh”. Trong đó, chương trình đầu tiên được xem là đã đạt được những kết quả rõ rệt nhất trên diện rộng với sự phối hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Hơn 18 năm qua, RtR Việt Nam đã bền bỉ với chương trình “Hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học”, nhờ đó đã xây dựng được 1.522 “Thư viện thân thiện” tại 34 tỉnh, thành trên cả nước. Việc vận dụng tiết đọc sách từ “Thư viện thân thiện” khác với tiết đọc tiếng Việt trong trường học hiện nay như thế nào, thưa bà?

Mô hình “Thư viện thân thiện” do tổ chức RtR thiết lập hiện đã xây dựng được 1.522 thư viện tại 34 tỉnh, thành trên cả nước.

Mô hình “Thư viện thân thiện” do tổ chức RtR thiết lập hiện đã xây dựng được 1.522 thư viện tại 34 tỉnh, thành trên cả nước.

+ Tiết đọc thư viện theo phương pháp của RtR gồm bốn loại hình: đọc to nghe chung, cùng đọc, đọc cặp đôi và đọc cá nhân. Ở các tiết đọc to nghe chung và cùng đọc, thầy cô là hình mẫu đọc cho các em, thể hiện được sự thích thú của việc đọc sách đồng thời khuyến khích các em cùng đọc; từ đó giúp học sinh cảm nhận và tiếp thu sự thích thú đó đối với cuốn sách. Ở các tiết đọc cặp đôi và cá nhân, học sinh tự chọn sách đọc theo ý thích của mình. Mục tiêu cuối cùng là giúp các em có cảm hứng đọc sách. Ở đây, chúng tôi không dạy kỹ năng đọc mà phát triển tình yêu, thói quen đọc sách cho trẻ ở trường tiểu học.

Ngoài ra, chúng tôi luôn tạo cơ hội tối đa trong tiết đọc thư viện để các em có sự tương tác với câu chuyện và chú trọng đặt các câu hỏi phỏng đoán cũng như các hoạt động trước, trong khi đọc và sau khi đọc để kích thích tư duy suy nghĩ độc lập cũng như sự sáng tạo, tưởng tượng, suy đoán, nâng cao sự tự tin trong giao tiếp và làm việc nhóm của các em.

Đó là những phẩm chất rất quan trọng mà chúng ta cần phát triển cho các em trong lứa tuổi này. Tiết đọc tôn trọng ý kiến của các em, lôi kéo tất cả học sinh tham gia chứ không chỉ tập trung ở các em khá, giỏi; quan trọng là các em nói được quan điểm, suy nghĩ của mình và thầy cô khi dạy luôn lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các em.

- Trong việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ, có hai yếu tố quan trọng là trường học và gia đình. Nhưng hiện tại RtR đang tập trung vào trường học nhiều hơn?

+ Thực ra, sự tham gia của gia đình và cộng đồng là một thành tố quan trọng trong thiết kế mô hình “Thư viện thân thiện”. Xác định rõ vai trò của cha mẹ đối với việc hình thành và duy trì thói quen đọc sách của các em nên phụ huynh được mời tham gia ngay từ những ngày đầu khảo sát chọn trường để nghe chúng tôi giới thiệu về mô hình thư viện, đồng thời giải thích mục tiêu dự án, cũng như ý nghĩa của việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ để phụ huynh hiểu và ủng hộ, tạo điều kiện cho trẻ khi mượn sách từ thư viện mang về nhà đọc.

Trong chương trình hoạt động của RtR, một năm có hai lần họp phụ huynh và đây là dịp để nhà trường và phụ huynh bàn với nhau về thư viện và việc tổ chức các hoạt động khuyến đọc như Ngày đọc sách... Phụ huynh cũng tham gia cùng với nhà trường lập ra kế hoạch duy trì, phát triển bền vững cho thư viện. Thực tế, thư viện của RtR được duy trì tốt sau thời gian 3 năm dự án một phần nhờ có sự đóng góp không nhỏ của phụ huynh.

Hoa hậu H’Hen Niê hiện là đại sứ của Room to Read Việt Nam.

- Có một thực tế về thư viện ở các trường học hiện nay: im ắng không khác gì nhà kho. Các thủ thư hầu như được điều chuyển từ bộ phận khác hoặc phải kiêm nhiệm. Với “Thư viện thân thiện”, chị có nghĩ mình đang “xé rào” không?

+ Tôi nghĩ dùng từ “tiên phong” trong cách tiếp cận, góp phần đạt được những mục tiêu đề ra trong chủ trương đổi mới giáo dục thì đúng hơn. RtR đưa ra một giải pháp hiệu quả đã được minh chứng bằng những kết quả thực tế đối với học sinh mà cả phụ huynh, nhà trường và các cấp quản lý giáo dục đều nhận thấy và vận dụng, duy trì và nhân rộng.

Điều RtR làm được theo tôi là đã giúp ngành Giáo dục và đào tạo có cách làm rất cụ thể và khoa học để triển khai những mục tiêu, vai trò chung đề ra cho thư viện nhà trường từ cách thiết lập, bố trí không gian, lựa chọn và phân loại sách theo mã màu tương ứng với trình độ đọc, hệ thống mượn trả đơn giản, tiện lợi đến cách tổ chức các hoạt động thư viện bổ ích, lý thú, thu hút học sinh tới đọc và mượn sách một cách tự nguyện, thường xuyên và hào hứng.

Đặc biệt, đi cùng với mô hình là hệ thống hỗ trợ, giám sát hoạt động thư viện và gói tập huấn, xây dựng năng lực mà cán bộ quản lý nhà trường, thư viện, và giáo viên đánh giá là rất thực tiễn và hữu ích để đảm bảo thư viện được vận hành một cách hiệu quả, mang lại kết quả trong việc phát triển thói quen đọc cho học sinh.

Hiện tại, mô hình thư viện của RtR được các tỉnh, thành đón nhận và đi đến đâu mọi người cũng đều sẵn sàng đồng hành, phối hợp. Có những tỉnh, dù được hỗ trợ kinh phí hay không, cũng rất tha thiết muốn triển khai mô hình. Vì RtR luôn đặt chất lượng, hiệu quả của thư viện lên hàng đầu nên chúng tôi luôn suy nghĩ và nỗ lực hết sức sao cho các tỉnh đảm bảo được chất lượng và làm đúng với yêu cầu của mô hình khi nhân rộng.

- Theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam, trong 3 năm gần đây, bình quân tỉ lệ đọc sách của Việt Nam là 4 đầu sách/người. Trong vai trò đi gieo mầm văn hóa đọc, có lúc nào chị và các cộng sự của mình cảm thấy nản?

+ Đúng là con đường xây dựng văn hóa đọc còn dài và cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị, tổ chức và cả cộng đồng. Nhưng chúng tôi không thấy nản, mà ngược lại, cảm thấy rất hy vọng. Bởi vì mô hình “Thư viện thân thiện” phù hợp với chủ trương, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng như Đề án phát triển văn hóa đọc theo Quyết định 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong ngành Giáo dục, các cấp đều nhận thấy mô hình này đi sát với nhiệm vụ, chuyên môn của họ nên sự phối hợp giữa RtR và Bộ Giáo dục và Đào tạo rất thuận lợi và hiệu quả.

- Vì sao RtR Việt Nam lựa chọn hoa hậu H’Hen Niê làm đại sứ? Điều kỳ vọng lớn nhất ở đây là gì?

+ Chúng tôi chọn H’Hen Niê làm đại sứ vì H’Hen Niê hiểu rất nhanh và nói rất rõ giá trị của mô hình thư viện thân thiện, đặc biệt đối với trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số, giúp tăng cường tiếng Việt để các em có thể tận hưởng lợi ích của việc đến trường. HHen Niê là một người ham học, nhận thức rõ được sức mạnh của giáo dục và có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.

Phụ huynh cùng tham gia đọc sách với con tại Ngày hội đọc sách do RtR tổ chức.

Trong vai trò Đại sứ toàn cầu của RtR, HHen Niê đã truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức cộng đồng về xây dựng văn hóa đọc, thực hiện vai trò đại sứ của mình rất tốt. Cho tới nay, Hen Niê đã gây quỹ cho RtR được 17.500 USD để thiết lập thư viện và hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh. Chúng tôi thực sự rất trân trọng và ghi nhận nỗ lực cũng như tình cảm mà Hen Niê đã dành cho RtR.

Ngoài ra, đối với các nữ sinh tham gia chương trình “Hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh” của RtR, chúng tôi nhận thấy H’Hen Niê là người phù hợp nhất làm hình mẫu vượt khó, theo đuổi việc học, dám sống đúng là mình và dấn thân vì ước mơ của mình. Tất cả những gì H’Hen Niê chia sẻ từ cuộc đời và trải nghiệm thực của H’Hen Niê có tác động rất mạnh mẽ đến các em, giúp các em tin rằng mình cũng có thể làm được như thế.

- Thực tế cho thấy việc lựa chọn đại sứ trong giới showbiz là một lựa chọn kém an toàn vì không ai biết lúc nào thì scandal xảy ra. Khi mời hoa hậu H’Hen Niê, chị có nghĩ là mình đang đi… trên dây không?

+ Cũng có thể hiểu được vì sao mọi người cho là có rủi ro. Nhưng chúng tôi rất tin tưởng vào H’Hen Niê. H’Hen Niê không chỉ nổi tiếng mà thực sự có quan điểm sống và trái tim muốn làm điều tốt cho cộng đồng; không chỉ bằng lời nói mà cả hành động cụ thể của mình cùng RtR mang lại cơ hội giáo dục tốt hơn cho mọi trẻ em.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Thành Vinh (thực hiện)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/phat-trien-tinh-yeu-va-thoi-quen-doc-sach-cho-tre-548270/