Phát triển thủy điện nhỏ, cần đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn

Không phải đến bây giờ, câu chuyện có nên phát triển thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ mới được đặt ra.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Tuy vậy, thời điểm hiện tại, khi mà các tỉnh miền Trung đang phải chịu những thiệt hại to lớn cả về người và tài sản bởi bão lũ, lũ chồng lũ, vấn đề phát triển thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ lại càng trở nên cấp thiết.

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cả nước hiện có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện với lượng trữ 56 tỷ m3 nước, công suất 20.000MW. Đây là nguồn năng lượng quan trọng, bởi vậy, việc khai thác thủy điện có mặt tích cực hay hạn chế, tùy thuộc vào quản lý, chính sách.

Việc quản lý và khai thác được nguồn năng lượng tái tạo này như thế nào để bảo đảm giảm thiểu tác động đến môi trường và phát huy tối đa hiệu quả là nhiệm vụ rất quan trọng của đất nước. Ngoài chức năng phát điện, hồ chứa nước của các đập thủy điện còn có tác dụng tích nước, cắt giảm và điều tiết lũ cũng như phục vụ nhu cầu phát triển khác của các địa phương...

Thế nhưng, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng thừa nhận tác động tiêu cực của thủy điện đến vấn đề môi trường như đất, nước, khí hậu cũng như đời sống dân sinh. Đây là vấn đề tổng thể, tùy thuộc vào cách thức của con người trong cách khai thác nguồn lực thiên nhiên, tài nguyên thiên nhiên...

Và rằng thực thi nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ và Ban Bí thư, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành từ năm 2016 đến nay tuyệt đối không bổ sung bất kỳ một dự án thủy điện nào cho dù là nhỏ hay lớn nếu có sử dụng đến các diện tích đất rừng tự nhiên.

Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, dù các cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ song vẫn không tránh khỏi chuyện một số địa phương thực thi còn bất cập. Thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với các địa phương, các bộ, ngành để nghiên cứu cụ thể, đánh giá về những mặt còn hạn chế và những mặt tích cực.

Từ đó, Bộ sẽ có chính sách với Chính phủ để tiếp tục siết chặt quản lý, hạn chế tối thiểu những tác động tiêu cực nếu có, đồng thời tiếp tục khai thác tốt nguồn tài nguyên của đất nước...

Thực tế, trong “câu chuyện thủy điện” có cả mặt tích cực và tiêu cực. Vấn đề là chúng ta nhìn nhận và xử lý như thế nào. Như ý kiến của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc thì khi bàn đến cái lợi, cái hại của hệ thống thủy điện nhỏ, chúng ta mới bàn đến câu chuyện hôm nay. Nhưng sau 40 - 50 năm nữa, khi đã hết khấu hao, hết giá trị kinh tế, tất cả những công trình xây này sẽ trở thành những “quả bom nổ chậm”.

Bởi vậy, các bộ, ban ngành cần có tầm nhìn dài hạn về việc xây dựng và quản lý các công trình thủy điện nhỏ. Nguồn tài lực nào, nguồn nhân lực nào quản lý chúng?... Ngay bây giờ, Bộ Công Thương, ngành tài nguyên - môi trường phải quan tâm, phải có chế tài bảo đảm nguồn lực giải quyết vấn đề.

Đã đến lúc cần có đánh giá tổng thể cả trước mắt và lâu dài về cái hơn, cái thiệt, để từ đó có quyết sách phù hợp với thủy điện. Như ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội là tác hại của thiên nhiên rất lớn nhưng phải đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn để hạn chế tối đa tác động của con người. Phải xem xét vấn đề phát triển thủy điện nhỏ để hạn chế phá rừng. Những công trình nào liên quan đến đất rừng phải trình Quốc hội...

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/phat-trien-thuy-dien-nho-can-danh-gia-day-du-toan-dien-hon-6M26hLhMR.html