Phát triển thương mại trong nước nhanh và bền vững

Bộ Công Thương đã xây dựng Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm xác định các quan điểm, định hướng và giải pháp đẩy mạnh thương mại nội địa một cách nhanh và bền vững.

Thương mại trong nước giữ vai trò thiết yếu trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.

Thương mại trong nước đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế

Thương mại trong nước đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế

Theo Bộ Công Thương, hàng năm thương mại trong nước tạo ra giá trị khoảng 14-15% GDP, hỗ trợ giải quyết việc làm cho 6 – 7 triệu lao động (chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội của nước ta có mức tăng trưởng nhanh. Trong giai đoạn từ 2015 đến 2017, mức tăng bình quân từ 10,5-10,9%/năm. Riêng năm 2018, tổng mức tăng 11,7% so với năm 2017 - mức tăng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đang tạo thêm sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Thực tế hiện nay đang đặt ra yêu cầu đổi mới thương mại trong nước cả về hình thức tổ chức, cơ sở hạ tầng cũng như cơ chế quản lý, điều hành của Nhà nước.

Chiến lược phát triển phát triển thương mại nội địa do Bộ Công Thương xây dựng hướng đến mục tiêu phát triển thương mại trong nước hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, phù hợp với trình độ phát triển từng giai đoạn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn vệ sinh, môi trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sản xuất, phân phối và người tiêu dùng.

Các giải pháp dự thảo Chiến lược hướng tới việc giải quyết các vấn đề về tổ chức kênh phân phối; về loại hình, phương thức kinh doanh; về kết cấu hạ tầng thương mại; về các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phù hợp với tính chất, đặc điểm của thị trường theo ngành hàng, khu vực… Qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Cần đổi mới phương thức hoạt động của thương mại trong nước theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, phù hợp với quy luật của lưu thông hàng hóa. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, chú trọng phát triển thương mại điện tử; gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống; tạo mọi điều kiện giảm chi phí của hoạt động thương mại. Bên cạnh đó cũng cần đổi mới về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý thương mại trong nước theo hướng tôn trọng các quy tắc thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp vào những địa bàn, lĩnh vực mà tư nhân không tham gia; tập trung vào giữ trật tự thị trường, bình ổn thị trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Song song với việc đổi mới về tổ chức hoạt động, cần phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại. Nâng cao năng lực đối với nguồn nhân lực trong ngành phân phối, bán lẻ theo hướng chuyên nghiệp, văn minh.

Đặc biệt, đẩy mạnh việc thực hiện các chiến lược, đề án triển thị trường trong nước gắn kết với thực hiện các chiến lược liên quan đến xuất khẩu và hội nhập nhằm giảm áp lực cho thị trường trong nước, gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020.

Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Chiến lược phát triển thương mại trong nước sẽ hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh và pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, đơn vị liên quan tập trung thực hiện các nhóm giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đề ra tại Chiến lược, góp phần xây dựng và phát triển thương mại trong nước hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, phù hợp với trình độ phát triển từng giai đoạn.

Chiến lược được chia thành từng giai đoạn cụ thể, xây dựng các mục tiêu cần đạt được cho từng giai đoạn; có định hướng và giải pháp thực hiện phù hợp gồm: Nhóm giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh theo cam kết quốc tế; Nhóm giải pháp phát triển hạ tầng thương mại; Nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và điều tiết thị trường; Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thương mại; Nhóm giải pháp gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản phẩm; Nhóm giải pháp hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ…

Nguyễn Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-thuong-mai-trong-nuoc-nhanh-va-ben-vung-120698.html