Phát triển thương mại miền núi, hải đảo và những kết quả đạt được

Sau 5 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng về Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020, chương trình đã đạt được những kết quả nhất định.

Bộ Công Thương thực hiện Chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩn vùng miền tại Đồng Nai. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Bộ Công Thương thực hiện Chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩn vùng miền tại Đồng Nai. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Sau 05 năm triển khai, Chương trình đã đạt được những kết quả như sau:

* Nghiên cứu, xây dựng và phát triển hệ thống chính sách, pháp luật đặc thù về phát triển thương mại khu vực biển và hải đảo

- Địa phương đã ban hành chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp hoạt động thương mại, phát triển sản phẩm, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân ở các huyện nông thôn, miền núi như: Bắc Giang, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, Đắk Nông…..

- Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng phát triển hệ thống chính sách, cơ chế thương mại đặc thù với một số huyện đảo, xã đảo làm cơ sở để xây dựng và phát triển hệ thống chính sách, pháp luật đặc thù về phát triển thương mại khu vực biển và hải đảo.

*Khuyến khích phát triển thương nhân, các loại hình doanh nghiệp hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

Hoạt động thương mại đã tại các vùng cao và miền núi đã có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ kinh doanh…), đáp ứng phần lớn nhu cầu cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Bộ Công Thương đã hỗ trợ cho một số địa phương triển khai kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản thông qua tổ chức các Hội nghị, hội thảo tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Kiên Giang.

Các hội nghị, hội thảo đã hút được hàng trăm đại biểu từ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp tham dự, đã kết nối hơn 60 doanh nghiệp với trên 80 hợp đồng xuất khẩu. Các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, hàng hóa là lợi thế phát triển của các địa phương như: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bến Tre, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, An Giang, Long An, Kiên Giang.

Cảng cá Đông Hải (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) vừa là nơi tập kết tàu thuyền, vừa là chợ đầu mối hải sản lớn nhất của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Đào tạo nguồn nhân lực cho hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

*Khuyến khích phát triển mặt hàng là lợi thế phát triển của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

Nhiều địa phương đã ban hành và triển khai thực hiện các đề án liên kết tiêu thụ, phát triển các sản phẩm có thế mạnh. Một số huyện đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, xây dựng và phát triển được một số thương hiệu nông sản hàng hóa được thị trường trong nước và quốc tế biết đến như: vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, mật ong rừng Sơn Động, Chè shan tuyết Mộc Châu, Cam Cao Phong, miến dong Bắc Kạn, Bưởi Đoan Hùng.

Bộ Công Thương tiến hành rà soát, đánh giá xác định các mặt hàng có lợi thế, xây dựng bộ tiêu chí xác định các mặt hàng có lợi thế phát triển của địa phương, 70 báo cáo chuyên đề đánh giá lợi thế và thực trạng các mặt hàng có lợi thế, hệ thống cơ sở dữ liệu sản phẩm - ngành hàn; 35 bộ cẩm nang hồ sơ các mặt hàng có lợi thế; xây dựng 35 bộ cẩm nang các mặt hàng có lợi thế cho 35 tỉnh.

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với nhiều địa phương tổ chức thành công các sự kiện: Hội thảo, hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của các địa phương nhằm kết nối tiêu thụ phân phối ổn định tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối như: Hội chợ quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đặc trưng miền núi tỉnh Quảng Nam; thúc đẩy tiêu thụ thông qua hệ thống Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai; Hội nghị thương mại kết nối thị trường cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng khu vực.

Phối hợp với các địa phương như Quảng Bình, Lai Châu, Sơn La tổ chức các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản có thế mạnh của địa phương vào chuỗi phân phối của các siệu thị lớn trong nước và xuất khẩu.

*Xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

Một gian hàng tại phiên chợ đưa hàng Việt về biên giới. Ảnh: K GƯỈH-TTXVN

Các địa phương đã tổ chức xây dựng mô hình phân phối đặc thù cho sản phẩm đặc trưng của địa bàn, kết hợp phát hành ấn phẩm hàng hóa đặc sản, tổ chức đào tạo tập huấn về văn hóa, kỹ năng bán hàng.

Tổ chức vận động doanh nghiệp, thu hút nhân dân tham gia, thay đổi nhận thức, tạo cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường; xây dựng địa điểm, tiếp cận khách hàng để xây dựng và kết nối kênh tiêu thụ. Thiết kế, cung cấp các mặt hàng đặc thù, đặc sản các vùng miền phục vụ khách du lịch.

Bộ Công Thương đã phối hợp và cấp kinh phí xây dựng 02 mô hình phân phối đặc thù phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại 02 huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện đảo sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của huyện đảo.

*Xây dựng và phát triển hoạt động đối với chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

Nhiều địa phương đã chủ động lồng ghép, bố trí ngân sách để đầu tư/kêu gọi tổ chức đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng thương mại tại địa phương như Bắc Kạn, Bến Tre, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hải Phòng, Đắk Lăk, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Lâm Đồng, Lai Châu.

Bộ Công Thương đã tổ chức các buổi Hội nghị rà soát phát triển và quản lý chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo từ đó nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách đối với quản lý, phát triển chợ, xây dựng các đề á kết nối, phát triển hạ tầng thương mại biên giới.

*Tăng cường năng lực cho công chức, viên chức của tỉnh, huyện, xã về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

Bộ Công Thương đã phối hợp với các trường và các địa phương liên quan tổ chức trên 50 lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương hoạt động kinh doanh tại thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với gần 4,000 học viên tham dự.

Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phat-trien-thuong-mai-mien-nui-hai-dao-va-nhung-ket-qua-dat-duoc/166761.html