Phát triển thị trường nông sản: Chưa tương xứng với với tiềm năng

Phát triển thị trường nông sản hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân luôn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm khơi thông đầu ra, hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại nông nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương, mặc dù đạt được những tín hiệu khả quan song lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, phát triển thị trường nông sản vẫn chưa tương xứng với với tiềm năng, lợi thế sản phẩm nông nghiệp của từng vùng, miền trên cả nước. Nông sản được mùa, rớt giá vẫn diễn ra mỗi năm. Hoạt động bao tiêu, cung ứng sản phẩm trong thiêu thụ nông sản vẫn còn mang tính tự phát, mối liên kết giữa các thành viên trong kênh phân phối còn lỏng lẻo, tự phát chưa vì lợi ích chung của tập thể và cộng đồng; giải quyết đầu ra cho sản phẩm tại nông thôn trong chuỗi hệ thống phân phối, tiêu thụ còn nhiều bất cập…

Chính vì vậy để phát triển thị trường nông sản thời gian tới theo đúng mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp mà Bộ Công thương là một trong các Bộ ngành liên quan, Bộ Công thương cho rằng phải triển khai 3 nhóm vấn đề chính trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, đó là bảo đảm nguồn hàng chất lượng, phát triển thị trường, tổ chức xuất khẩu.

Trong đó đặc biệt vào các giải pháp tìm kiếm, giới thiệu các tập đoàn nước ngoài để chuyển giao mô hình công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với nhu cầu thực tiễn của Việt Nam như công nghệ chế biến, công nghệ tái sử dụng phụ phẩm, công nghệ giống, đặc biệt là nguồn giống tôm, rau, trái cây nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông thủy sản. Tiếp tục thực hiện đàm phán mở cửa thị trường thông qua các FTA đang triển khai như Việt Nam – Cu Ba, Việt Nam – Israel, Việt Nam – EFTA, RCEP để tạo thuận lợi về thuế quan, quy tắc xuất xứ… cho nông sản Việt Nam. Tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA. Tăng cường quảng bá nông sản Việt Nam ở thị trường nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm…

Nông sản tiêu thụ trên thị trường nội địa

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong giai đoạn đoạn 2013-2017, kim ngạch xuất khẩu bình quân nhóm nông sản đạt 22,1 tỷ USD/năm với tốc độ tăng trưởng đạt 4,3% /năm, trong đó các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng như rau quả đạt 33,6%, hạt điều đạt 19,1%/năm, hồ tiêu đạt 7,1%/năm, thủy sản đạt 6,5%/năm…

Đặc biệt trong năm 2017, xuất khẩu nông sản là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước với kết quả tăng trưởng tích cực, kim ngạch toàn nhóm đạt mức cao nhất từ trước tới nay là 25,82 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2016, chiếm 12,1% tổng xuất khẩu cả nước và đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó mặt hàng rau quả tăng mức kỷ lục đạt 3,5 tỷ USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Nhằm tiêu thụ các nông sản nói trên, Bộ Công thương đã phát triển thị trường từ 19 thị trường xuất khẩu, đạt hơn 1 tỷ USD vào năm 2011 đã lên đến hơn 30 thị trường vào năm 2017 với các mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, hàng rau quả, chè, cao su, cà phê, hạt tiêu, sắn, hạt điều… Những mặt hàng này luôn là thế mạnh của Việt Nam bởi các lợi thế cạnh tranh quốc gia mang lại.

Bộ Công thương cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội do 10 Hiệp định tự do thương mại FTA mang lại. Cụ thể xuất khẩu vào các nước có FTA ngày càng tăng. Giai đoạn 2010 – 2017, sau khi Hiệp định AANZFTA có hiệu lực vào năm 2010, với mức thuế suất thuế nhập khẩu về 0%, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu hạt điều sang Úc tăng trưởng bình quân đạt 12,9%/năm, thủy sản đạt 6,9%/năm, hồ tiêu xuất khẩu sang Nhật Bản tăng trưởng 12,8%/năm. Cà phê đạt 8,0%/năm sau khi Hiệp định VJFTA có hiệu lực năm 2010. Hay hồ tiêu xuất khẩu sang Ấn Độ tăng trưởng đạt 14,3%/năm. Thủy sản đạt 12,3%/năm sau khi Hiệp định AIFTA có hiệu lực năm 2010. Sau khi Hiệp định Việt Nam - EAEU có hiệu lực tháng 10/2016, điều xuất khẩu sang Liên bang Nga năm 2017 tăng 59,6%/năm, rau quả tăng 19,9%/năm.

Đối với thị trường trong nước, theo Bộ Công thương cũng đã phát triển khả quan hơn để hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản. Toàn quốc đã có 8.513 chợ, trong đó 94 chợ đầu mối, 869 siêu thị, 168 trung tâm thương mại, 37 trung tâm logistics, khoảng 2 triệu cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ của hộ gia đình.

Trồng thanh long

Nhằm phát triển mạnh thương mại nội địa cho mặt hàng nông sản, Bộ Công thương cũng đã phê duyệt tổng số 656 đề án với tổng kinh phí là 143,15 tỷ đồng cho 60 đề án hội chợ vùng với kinh phí hỗ trợ 76,24 tỷ đồng và gần 600 đề án Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng núi, biên giới, hải đảo với kinh phí 76,93 tỷ đồng.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa, Bộ Công thương cho rằng mục đích nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành nông nghiệp duy trì quan hệ với các đối tác, cũng như tiếp cận, mở rộng thị trường tại các thị trường trọng điểm, thị trường mới nhiều tiềm năng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Thương thuyết tiêu thụ các mặt hàng nông sản, cũng là một trong những cách đẩy mạnh tiêu thụ nông sản mà Bộ Công thương đã thực hiện. Trong 5 năm qua thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, ngành công thương đã ký kết khoảng 3.500 hợp đồng, trong đó riêng năm 2015 đã ký 1560 hợp đồng, doanh thu hai chiều đạt gần 30.000 tỷ đồng.

TÚ ANH

Theo thống kê của Bộ Công thương hiện có gần 2.000 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông sản, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng tổng số hoạt động trong ngành lên tới hơn 5.600 doanh nghiệp. Trong đó đặc biệt lưu ý tại các địa phương, hiện nay doanh nghiệp đã và đang hình thành các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo quy mô lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk, Metro Cash, TH True Milk, Lotte, Big C…

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/phat-trien-thi-truong-nong-san-chua-tuong-xung-voi-voi-tiem-nang-17684.html