Phát triển thị trường lao động nông thôn: Yêu cầu cấp thiết

Thị trường lao động ở khu vực nông thôn thuộc thành phố Hà Nội đang diễn ra sôi động, song vẫn tồn tại nghịch lý thiếu lao động trình độ cao, thừa lao động chưa qua đào tạo. Để cân đối cung - cầu về lao động, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, việc triển khai các giải pháp nhằm phát triển thị trường lao động nông thôn theo hướng tích cực là yêu cầu cấp thiết.

Thành lập Trường Trung cấp Nghiệp vụ và Dạy nghề công đoàn Hà Nội

Một lớp dạy nghề may cho lao động nông thôn. Ảnh: Lan Ngọc

Một lớp dạy nghề may cho lao động nông thôn. Ảnh: Lan Ngọc

Nghịch lý thừa và thiếu

Khó tuyển dụng lao động ở khu vực nội thành, từ đầu năm 2019 đến nay, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Sông Hồng, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) hướng đến lao động vùng nông thôn bằng cách tham gia nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức.

"Tuy nhiên, qua nhiều phiên giao dịch, chúng tôi vẫn chưa tuyển đủ số lượng lao động mong muốn" - bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai, cán bộ phụ trách công tác nhân sự, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Sông Hồng cho hay.

Ngoài công ty nêu trên, hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo cũng khó tiếp cận nguồn cung ở khu vực ngoại thành. Bằng chứng là ngày 23-5 vừa qua, 36 doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Mê Linh có nhu cầu tuyển dụng 1.288 vị trí, trong đó 1.034 vị trí yêu cầu người lao động có trình độ từ trung cấp trở lên. Kết thúc phiên giao dịch, các doanh nghiệp chỉ tuyển được 406 lao động, bằng 31,5%. Tại phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Gia Lâm (ngày 12-5), các doanh nghiệp cũng chỉ tuyển được 247/927 chỉ tiêu, bằng 26,7%...

Trong khi doanh nghiệp vất vả tìm nguồn lao động, thì lực lượng lao động nông thôn thiếu việc làm hoặc thất nghiệp vẫn nhiều. Tại huyện Ba Vì, toàn huyện hiện còn 29.000 người trong độ tuổi lao động có việc làm không thường xuyên, bằng 16,13%; hơn 2.000 lao động không có việc làm, bằng 1,12%. Là địa phương có hơn 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng huyện Đông Anh vẫn còn lao động nông nghiệp nhiều hơn công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

“Khu vực nông thôn vừa thừa, vừa thiếu lao động là nghịch lý không dễ giải quyết, ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực”, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức phản ánh. Tính chung, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực nông thôn của thành phố Hà Nội chỉ còn hơn 1% vào thời điểm cuối năm 2018, thấp hơn khu vực thành thị, nhưng tỷ lệ lao động có nhiều thời gian dôi dư hoặc có việc làm không thường xuyên lại cao hơn.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hiện nay, những người có bằng cấp, chứng chỉ dễ tìm việc làm tại chỗ, nên doanh nghiệp ở xa về khó tuyển được lao động vững chuyên môn, giỏi tay nghề. Còn lực lượng lao động phổ thông lại không có nhiều người đáp ứng tốt các tiêu chí tuyển dụng. Nguyên nhân khác là người lao động và doanh nghiệp đang thiếu những thông tin về thị trường lao động.

Nâng cao chất lượng bằng nhiều giải pháp

Trên thực tế, việc đưa thông tin thị trường lao động về nông thôn thông qua mạng lưới sàn giao dịch việc làm vệ tinh và các phiên giao dịch việc làm lưu động là giải pháp cơ bản để kết nối cung - cầu về lao động, việc làm. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức được gần 100 phiên giao dịch việc làm, thu hút khoảng 6.000 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, khoảng 50.000 lượt lao động đến phỏng vấn.

Chị Nguyễn Thị Hà, thôn My Hạ, xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai) chia sẻ: “Sau nhiều năm không tìm được việc làm phù hợp, tôi đến phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Ứng Hòa để tìm hiểu và trúng tuyển làm công nhân tại một công ty may ở cụm công nghiệp Bích Hòa, huyện Thanh Oai”.

Hiệu quả kết nối cung - cầu lao động của mạng lưới sàn giao dịch việc làm đã được khẳng định. Tuy nhiên, trong bối cảnh cơ cấu kinh tế đang có sự chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, đòi hỏi thị trường phải chủ động cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao thì vai trò kết nối của hệ thống sàn giao dịch việc làm phải được củng cố, tăng cường.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cần sớm hoàn thành cơ sở dữ liệu việc làm, từ đó phân tích, đánh giá nhằm phác thảo ra bức tranh toàn cảnh về thị trường lao động nông thôn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Xuân Thức, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và Chuyển giao công nghệ, đường Phúc Diễn (quận Nam Từ Liêm) đề nghị thành phố thành lập đội ngũ tư vấn chuyên sâu về việc làm.

Từ kinh nghiệm thực tế, bà Trần Thị Hoa, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh cho rằng, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần có sự chuyển biến về chất. Những ngành, nghề thị trường đang cần nên được kéo dài thời gian đào tạo. Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động nên được triển khai bằng nhiều hình thức, xuống đến từng trường học, gia đình.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội khẳng định: Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, thành phố tập trung hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động. Các lớp dạy nghề chỉ được mở khi các địa phương đã có định hướng tìm đầu ra cho người học, bảo đảm ít nhất 80% người học nghề có việc làm. Cùng với đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các địa phương khảo sát, đánh giá về thị trường lao động, tích cực đưa thông tin thị trường lao động về vùng nông thôn.

Với những giải pháp nêu trên, hy vọng thị trường lao động nông thôn sẽ có sự phát triển về chất trong tương lai gần.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/936602/phat-trien-thi-truong-lao-dong-nong-thon-yeu-cau-cap-thiet