Phát triển thị trường lao động hiện đại tới năm 2030, tầm nhìn 2045

Xây dựng thị trường lao động ổn định, hài hòa và hiện đại là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà hai Đề án đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng cần giải quyết.

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu chỉ ra tại tọa đàm trực tuyến “Phát triển thị trường lao động hiện đại tới năm 2030, tầm nhìn 2045” do Báo Nhân Dân tổ chức sáng 11/12.

Phải xây dựng thị trường lao động ổn định, hài hòa và hiện đại

TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang xây dựng Đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” và Đề án “Nâng cao năng lực dự báo cung-cầu lao động”.

Theo ông Bình, việc xây dựng hai đề án này là hết sức quan trọng để góp phần cụ thể hóa Nghị quyết TƯ 5 khóa XII về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, hướng tới xây dựng một thị trường lao động định hướng XHCN. Ngoài ra, hai đề án còn góp phần định hình hành lang pháp lý để phát triển các thể chế thị trường của thị trường lao động.

“10 năm qua, thị trường lao động của chúng ta quy mô còn nhỏ, các thể chế thị trường lao động mới được thiết lập có hành lang pháp lý như Trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm và các sàn giao dịch việc làm. Để bảo đảm những thể chế này hoạt động đồng bộ, hiện đại đúng như tinh thần của Nghị quyết TƯ 5 khóa XII về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bắt buộc chúng ta phải có những hành lang pháp lý cho những thể chế này thực sự phát triển” – Cục trưởng Cục Việc làm nhấn mạnh.

TS Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm

TS Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm

Theo ông, đề án phải bảo đảm phủ sóng được những thị trường khác nhau, phù hợp với thực tiễn, gọi là đa tầng, mỗi tầng có một trình độ phát triển khác nhau, mỗi tầng cụ thể hóa quan điểm của Đảng, vai trò của Nhà nước và thị trường phải được xác định rất rõ.

“Nhà nước và thị trường quan hệ như thế nào trong thị trường ở vùng miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ. Nếu như ở Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng thì vai trò của Nhà nước có tính chất kiến tạo nhiều hơn, hỗ trợ nhiều hơn. Ở vùng miền núi thì Nhà nước có tính chất thu hút, thậm chí có những nơi Nhà nước phải tạo những cơ chế để đưa người lao động tham gia vào thị trường” – ông phân tích.

Trong khi đó, đa lĩnh vực có nghĩa là thị trường có nhiều lĩnh vực, nhiều ngành. Ví dụ như, nếu lao động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, người lao động phải đạt tiêu chí, kể cả việc sử dụng người lao động cũng phải đúng theo chuẩn mực quốc tế.

Vấn đề nữa, theo ông, đề án phải bảo đảm có những chính sách thu hút các chuyên gia giỏi quốc tế và trong nước để hài hòa giữa lao động trong nước và quốc tế…

Đáng chú ý, Cục trưởng Cục Việc làm chia sẻ, nhiều năm nay vấn đề lao động - việc làm được nhìn nhiều hơn ở góc độ an sinh xã hội chứ chưa nhìn đúng tầm lao động theo góc độ tăng trưởng kinh tế. “Vấn đề này phải được giải quyết từ lý luận, thực tiễn và thể chế để tạo ra được định hướng trong thời gian sắp tới” –Cục trưởng Cục Việc làm nhấn mạnh.

Với tư cách là cơ quan giám sát, theo dõi và là người nghiên cứu sâu lĩnh vực này, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, Đề án phải giải quyết hai nhiệm vụ.

Trước hết, phải xây dựng cho được một thị trường lao động ổn định, hài hòa và hiện đại. Tính hiện đại ở đây phải bảo đảm các yếu tố: thể hiện thể chế về cơ chế chính sách, về thị trường lao động; đáp ứng được nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực tăng lên; đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành, các lĩnh vực trong nước trong quá trình hội nhập; chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phù hợp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.

Nhiệm vụ thứ hai là đề án phải giải quyết được chất lượng thị trường lao động, bởi vì chất lượng thị lao động giải quyết việc làm bền vững. Theo ông, giải quyết việc làm bền vững đáp ứng vấn đề: đáp ứng việc làm theo quyền của con người theo quy định Hiến pháp như học nghề, tự tạo việc làm, tự chọn nơi làm việc; bảo đảm có thu nhập hợp lý, có chính sách bảo hiểm như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm các chức năng sau này khi người lao động rời khỏi thị trường lao động vẫn có thể tồn tại; bảo đảm an toàn lao động, an toàn sinh mạng, vệ sinh môi trường trong quá trình làm việc…

Nhấn mạnh đừng coi thị trường lao động như vấn đề xã hội, mà đây là vấn đề kinh tế, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng “chúng ta phải đầu tư xử lý việc làm cho người lao động trên cơ sở phát triển thị trường lao động”.

Xây dựng hệ thống an sinh xã hội cho thị trường lao động phi chính thức

Nhìn nhận các đề án này với tư cách các nhà nghiên cứu học thuật, TS Ngô Quỳnh An, ĐH Kinh tế Quốc dân phân tích, thị trường lao động ở các nước phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng là thị trường phân đoạn, không đồng nhất. Theo đó, các chính sách và đề án phát triển cần phải đề cập đến sự phân đoạn này.

Đáng chú ý, bà nhấn mạnh bên cạnh khu vực chính thức, còn tồn tại khu vực phi chính thức cung cấp công ăn việc làm, sinh kế cho nhiều người lao động và gia đình họ.

Theo bà, khu vực này dễ tham gia và không có rào cản, quy định về vốn và kỹ năng nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào người lao động cũng tham gia được thị trường này và thị trường phi chính thức sẽ còn tồn tại lâu dài và phát triển. Do đó, bà đề nghị cần từng bước nâng cao chất lượng của thị trường phi chính thức, giúp lao động có động lực để chuyển đổi sang thị trường chính thức.

Bà cũng chỉ ra, hiện có xu hướng chuyển dịch lao động ra khỏi thị trường nông nghiệp, do đó cần lưu ý đến việc chuyển đổi ra khỏi nông nghiệp nhưng không ra khỏi nông thôn. Bởi lẽ, nếu vẫn để dòng di chuyển ra thành thị như hiện nay, nhìn chung sẽ làm tăng khu vực phi chính thức ở thành thị. Hơn nữa, việc di chuyển lao động tới khu công nghiệp lớn gây ra áp lực tới an sinh xã hội.

“Hy vọng đề án này quy hoạch phát triển vùng như thế nào để rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp nhưng không ra khỏi nông thôn và không dịch chuyển quá xa như hiện nay để gây ảnh hưởng tới cuộc sống và hệ lụy với người lao động” – bà bày tỏ.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Đồng tình với ý kiến của TS Ngô Quỳnh An, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong thị trường lao động hiện nay, vấn đề cần quan tâm là dịch chuyển của khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức.

Về vấn đề giải quyết việc làm cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, ông lưu ý phải thực hiện nguyên lý “ly nông bất ly hương”. Tức là tách lao động khỏi nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp nhưng không rời quê hương, không đặt gánh nặng lên các khu công nghiệp và đô thị.

Chia sẻ thêm về việc dịch chuyển lao động phi chính thức, TS Nguyễn Trọng Bình cho biết, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang làm việc với Ban Kinh tế T.Ư và Tổ chức Lao động quốc tế ILO để đánh giá, xây dựng chính sách về vấn đề này.

Theo ông, việc chuyển từ lao động phi chính thức sang chính thức phải tính đến lĩnh vực để thúc đẩy chính thức hóa. Nếu tính toán không kỹ sẽ khiến chi phí thị trường tăng lên, làm cản trở hoạt động của chính công ăn việc làm.

“Chúng tôi rất trăn trở để xây dựng một hệ thống an sinh xã hội cho thị trường lao động phi chính thức đơn giản và hiệu quả hơn để người lao động có giá đỡ” – ông nói./.

Tú Giang

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/phat-trien-thi-truong-lao-dong-hien-dai-toi-nam-2030-tam-nhin-2045-569767.html