Phát triển thế mạnh nông nghiệp hữu cơ

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia...

Nông nghiệp Việt Nam hướng đến nền sản xuất sạch.

Nông nghiệp Việt Nam hướng đến nền sản xuất sạch.

Chiều 2/11, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Sự kiện được coi là một trong những định hướng chính trong Đề án của Bộ NNPTNT vừa được Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền và địa phương, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Đây cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những năm qua. Ngành Nông nghiệp đang tích cực triển khai chủ trương này.

Đáng chú ý, theo Đề án, mục tiêu đền năm 2025-2030: Diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5-2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp, năm 2030 đạt khoảng 2,5-3%. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt và năm 2030 đạt khoảng trên 2% với cây trồng chủ lực như lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả...

Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1-2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước, đến năm 2030 đạt khoảng 2-3%. Các sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ theo tiềm năng thế mạnh được ưu tiên như sữa, sản phẩm mật ong, thịt gia súc gia cầm... Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5-1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản và đạt khoảng 1,5-3% đối với năm 2030, trong đó một số loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế như tôm nước lợ, tôm càng xanh, các loài thủy sản bản địa...

Đặc biệt là việc nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3-1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ, năm 2030 phấn đấu cao gấp 1,5-1,8 lần. Sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn vào năm 2020 và tăng dần trong các năm tiếp theo, tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón lên 15% năm 2025; tăng số lượng bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên 30%...

Tính đến thời điểm này, diện tích canh tác hữu cơ tăng từ 53,35 ngàn ha năm 2016 lên khoảng 237.693 ha năm 2019. Hiện có khoảng 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ. Số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là 17.168 người, số lượng doanh nghiệp sản xuất hữu cơ là 97 doanh nghiệp. Tham gia xuất khẩu là 60 doanh nghiệp với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm.

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia... là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới. (Theo điều tra công bố năm 2020 của Tổ chức Nông nghiệp quốc tế IFOAM).

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt các nội dung chính của Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 giúp các đơn vị quản lý của Bộ, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, người sản xuất và doanh nghiệp nắm được quan điểm phát triển, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nhà nước về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Qua đó triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Đề án phù hợp với chức năng của đơn vị và điều kiện thực tế của địa phương.

Hải Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phat-trien-the-manh-nong-nghiep-huu-co-522448.html