Phát triển thế mạnh khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền

Những năm qua, nhờ việc kết hợp chặt chẽ giữa y dược học cổ truyền với y học hiện đại, các cấp hội đông y trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển nền đông y, đông dược, thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nhiều bài thuốc hay của các lương y Hội Đông y Hoằng Hóa được người bệnh tin tưởng.

Hội Đông y TP Thanh Hóa có 172 hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó có 10 hội đông y xã, 15 hội đông y phường và 2 chi hội trực thuộc. Tính đến hết tháng 4-2019 trong toàn thành phố có 64 hội viên có chứng chỉ hành nghề và chứng nhận là lương y. Trao đổi với ông Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch Hội Đông y TP Thanh Hóa được biết, 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn thành phố có 6.162 lượt người khám, chữa bệnh bằng đông y, trong đó 917 lượt người chữa bệnh bằng châm cứu, 2.051 lượt người khám điều trị ở phòng chẩn trị, 9.294 lượt người khám điều trị ở lương y cá thể... Nhiều bệnh nan y đã được điều trị tốt như: U xơ tuyến tiền liệt, u xơ tuyến vú, u nang tử cung, u nang phần phụ, tràng nhạc... Các bệnh nội khoa như: Đau dạ dày các thể, hen phế quản, tâm phế mãn; các chứng âm hư, chứng dương hư, cảm hàn biến chứng các thể trĩ nội, trĩ ngoại, các bệnh tâm, can, thận, khớp, đái đường các bệnh tai biến mạch máu não, thần kinh hông to, liệt mặt, bán thân bất toại và nhiều bệnh khác... Một số lương y hàng năm đã sản xuất ra thị trường được lượng thuốc lớn như hãng thuốc Thể thao của lương y Hoàng Văn Hùng với nhiều loại như: Thập Hoàng Hoàn, Hoàn Sinh Lực, Hầu Tê Hoàn, Rượu Tỏa Dương, cồn xoa bóp, hồi xuân hoàn, gút, tiểu đường, đã được Bộ Y tế duyệt cho lưu hành toàn quốc. Ngoài ra hội còn hàng trăm thầy thuốc trẻ đang ngày đêm mệt mài học tập tích cực, đây cũng là nguồn bổ sung kế cận cho đội ngũ thành hội sau này. Do chuyển biến về tay nghề và chất lượng điều trị, giá thành hợp lý, hiệu quả lại cao, vì vậy nhân dân xa gần trong ngoài tỉnh đến thăm khám và điều trị.

Trong những năm qua, Hội Đông y tỉnh đã không ngừng củng cố tổ chức, tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, từng bước đổi mới và hoàn thiện cơ chế trong hoạt động, xác định rõ vai trò trách nhiệm của cán bộ hội viên, động viên các cán bộ, hội viên thừa kế những bài thuốc hay, cây thuốc quý để bảo tồn, phát triển di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc trong lĩnh vực đông y đã có từ hàng ngàn năm. Tăng cường công tác phát triển hội viên, đẩy mạnh việc mở rộng các tổ chức hội cơ sở, phát triển các tổ, phòng chẩn trị của các cấp hội để chữa bệnh cho nhân dân. Các tổ chức hội đã tăng cường công tác tuyên truyền kết nạp được 45 hội viên mới sau khi đã được đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về đông y, nâng số hội viên toàn tỉnh lên 2.858 người. Nhiều huyện, thị, thành hội đã tổ chức được các buổi hội thảo, kết hợp các buổi sinh hoạt hội với trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm chữa bệnh, sưu tầm các bài thuốc hay, cây thuốc quý có tác dụng chữa bệnh cao, phổ biến các phương pháp chữa bệnh dùng thuốc hoặc không dùng thuốc, phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền sử dụng thuốc nam cho các hội viên, trồng thuốc nam tại gia đình và hướng dẫn cho nhân dân biết sử dụng các bài thuốc nam đơn giản để chữa các bệnh thông thường ở cộng đồng trong tình hình giá dược liệu trên thị trường biến động tăng vọt. Nhiều phòng chẩn trị cấp huyện, thị, thành hội đã củng cố, xây dựng tương đối tốt cả về cơ sở vật chất lẫn nội dung sinh hoạt phù hợp với tình hình hiện nay. Số bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở các phòng chẩn trị ngày càng đông như: Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn, TP Thanh Hóa, Thạch Thành, Quan Hóa, thị xã Bỉm Sơn... Trong 6 tháng đầu năm ở các phòng chẩn trị đã khám, chữa bệnh cho 337.389 lượt bệnh nhân, châm cứu cho 153.169 lượt bệnh nhân. Nhiều hội viên mở phòng chẩn trị tại nhà, hoạt động có uy tín trong nhiều năm qua đã thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bằng đông y trong và ngoài tỉnh góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Bà Lê Thị Chinh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, cho biết: Công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ hội viên là một vấn đề hết sức quan trọng có tính chiến lược trong mục tiêu hoạt động của hội. Thông qua các lớp bồi dưỡng học tập 12 điều y đức của Bộ Y tế; 9 điều y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông, lấy đó làm chuẩn mực đạo đức hành nghề đông y. Chính vì vậy mà cán bộ, hội viên đã được nâng cao về y đức, qua đó nâng cao về tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc trước người bệnh, tận tụy trong công việc. Mặc dù cơ chế thị trường tác động đến nhiều lĩnh vực trong xã hội nhưng đại bộ phận những người làm nghề thầy thuốc vẫn giữ được tâm, đức của mình.

Bài và ảnh: Hà Bắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/phat-trien-the-manh-kham-chua-benh-bang-y-hoc-co-truyen/106076.htm