Phát triển tam nông: Nông dân phải là chủ thể

Sáng ngày 27/11, Hội nghị trực tuyến toàn quốc và triển lãm quốc gia Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) đã diễn tại Hà Nội.

Tập trung gỡ khó cho "tam nông" Tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7

Những kết quả ấn tượng

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; có thể khẳng định, đây là Nghị quyết mang tính lịch sử đầu tiên, đề cập đến toàn diện cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt. Giải quyết tốt vấn đề tam nông chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn đảng, toàn dân, không chỉ đến năm 2020 mà còn cho suốt chặng đường phát triển của đất nước.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt trung bình 2,66%/năm, giá trị sản xuất tăng 3,9%/năm. Hiện đã có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu (XK) đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD/năm trở lên, 5 mặt hàng: tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch từ 3 tỷ USD/năm. Giá trị XK nông sản của Việt Nam hiện đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới, XK tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị

Thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên 130 triệu đồng năm 2017, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn. Hiện cả nước đã có 3.478 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,26 chỉ tiêu/xã; 53 đơn vị cấp huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp (DN) nông nghiệp tăng từ 2.397 năm 2007 (chiếm 1,61% DN cả nước) lên 7.033 DN năm 2017 (tăng 2,93 lần) với số vốn 213.394,9 tỷ đồng. Nhiều DN đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường.

Tuy nhiên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, bên cạnh những kết quả trên, khu vực tam nông của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế lớn cần phải khắc phục, nhất là về tổ chức sản xuất, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. “Đáng chú ý, một số mục tiêu đề ra đến năm 2020 có thể không đạt, nếu không có những giải pháp đột phá và chỉ đạo quyết liệt, kịp thời” - ông Nguyễn Văn Bình cho hay.

Hội nghị thu hút trên 1.000 đại biểu tham dự

Ông Lê Minh Hoan - Bí Thư tỉnh Đồng Tháp - nhận định, những tồn tại của nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời gian qua phải được giải quyết bằng kinh tế hợp tác. Kinh tế hợp tác, HTX sẽ là cứu cánh để tái cơ nông nghiệp, nông dân. Trong quá trình tái cơ cấu này, nhấn mạnh vai trò dẫn dắt thị trường của cộng đồng DN. Bên cạnh đó, phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Người nông dân cần chuyển từ lượng sang chất, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu cho sự phát triển. Ông Lê Minh Hoan cũng đề xuất, nếu xem HTX là một cứu cánh của nền nông nghiệp, Chính phủ nên tách ra xây dựng một Nghị định riêng cho HTX nông nghiệp.

Được ví như nông dân thời @, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - kiến nghị, nhà nước cần giải phóng chính sách đất đai tạo điều kiện cho các DN có điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đầu tư nhiều hạ tầng nông thôn để giảm chi phí logistics...

Nông dân phải là chủ thể của hội nhập

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tác động toàn diện và to lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Đánh giá cao báo cáo tổng kết, đồng tình với ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, quá trình tổng kết cần phải đẩy nhanh, đánh giá đầy đủ hơn nữa thực tiễn của các địa phương, có minh họa, có bài học, có cơ sở để khái quát hóa, trở thành lý luận để phục vụ cho quá trình xây dựng, nghiên cứu, phát triển của đảng và nhà nước về nông nghiệp và nông thôn.

Trong bối cảnh mới, đất nước hội nhập với việc ký kết 16 hiệp định thương mại tư do (FTA), cách mạng công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa đang phát triển đa dạng, đồng thời, đối mặt với bảo hộ mậu dịch, nguy cơ xung đột về thương mại. Theo Bộ trưởng, rõ ràng, khu vực nông nghiệp chịu nhiều tác động với cả cơ hội và khó khăn thách thức.

Bộ trưởng cũng lưu ý, khi thực hiện các FTA thì đây cũng chính là cơ hội rất to lớn cho ngành nông nghiệp, thông qua chương trình hành động của Chính phủ có thể lồng ghép các nội dung để tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu nền kinh tế có hiệu quả cao hơn, đạt được mục tiêu phát triển.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng nhấn mạnh, mục đích cuối cùng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nâng cao đời sống của người dân theo hướng bền vững và bài học kinh nghiệm đã có trong việc liên kết thời gian qua, đây là các cơ sở pháp lý được ưu tiên hàng đầu.

Trong bối cảnh hội nhập, con người là nhân tố quyết định, yếu tố kiến thức quyết định chung về hội nhập, tác động tới toàn bộ nền kinh tế, người tiêu dùng, người sản xuất trong đó có nông dân. Những kiến thức này phải được cụ thể hóa. Người nông dân phải được đào tạo một cách bài bản hơn nữa để trở thành chủ thể của hội nhập, chủ thể của nền kinh tế…

Nông nghiệp Việt Nam không có DN, HTX bất thành công

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị.

Thủ tướng nêu rõ, Nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống, đã làm thay đổi diện mạo nông thôn nước nhà, và vai trò chủ thể của người nông dân ngày càng được khẳng định.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, những thành tựu nổi bật đã được thể hiện rõ nét. Từ một nước nhập nông sản, đến nay, nông sản Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 15 trên thế giới. Dự kiến, năm 2018 đạt kỷ lục XK với giá trị đạt 40 tỷ USD. Trong đó có 10 mặt hàng XK trên 1 tỷ USD. Khẳng định nông nghiệp Việt Nam không chỉ đủ ăn mà còn đóng góp cho phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng đề cập tới những điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam. Đầu tư nông nghiệp còn quá thấp, số dân làm nông nghiệp còn quá cao, chiếm 48%. Số DN đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 1% tổng số DN, trong đó chủ yếu là DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ. 90% hàng nông sản Việt Nam XK nguyên liệu thô, chưa qua chế biến.

Đáng chú ý, xây dựng thương hiệu mới bước đầu được chú trọng. Việt Nam với trên 90 ngàn sản phẩm nông nghiệp, chỉ có 15% là có thương hiệu nổi tiếng, còn nhiều sản phẩm khác chưa có thương hiệu. “Campuchia xây dựng thương hiệu còn tốt hơn chúng ta. Chúng ta không báo động cái này sẽ dẫn tới thất bại khi hội nhập, khi dòng thuế cắt giảm bằng về 0%” - Thủ tướng cảnh báo.

Trong thập kỷ tới đây, nông nghiệp Việt Nam đứng ở đâu? Vị thế nông nghiệp Việt Nam đóng góp như thế nào cho xây dựng đất nước. Thủ tướng đặt câu hỏi và đưa ra giải pháp, cần chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp, hội nhập sâu rộng. Trong đó, việc nhận diện rõ cơ hội, thách thức là rất quan trọng. "Thế giới đang chuyển mình, châu Á đang cạnh tranh từ bán buôn đến bán lẻ. Chúng ta phải đặt ra những lợi thế so sánh đó để thành công. Phải sớm khắc phục, tồn tại yếu kém trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay nhất là trong bối cảnh kỷ nguyên số 4.0" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Đối với cơ quan nhà nước, địa phương, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật để tháo gỡ cho nhà đầu tư, DN, HTX và hộ nông dân khi sản xuất nông nghiệp. Nhấn mạnh vai trò của DN, Thủ tướng cho hay, nông nghiệp Việt Nam không có DN, HTX bất thành công.

Vấn đề thị trường phải được đặt trước vấn đề sản xuất để hạn chế tối đa được mùa, mất giá. Phải thay đổi tư duy, cách làm, sản xuất nông nghiệp phải bắt đầu từ nhu cầu, từ thị trường đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Cùng với thúc đẩy XK, nông nghiệp Việt chú trọng đến thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam. Đi liền với thị trường là vốn. Hệ thống ngân hàng tiếp tục cung cấp nguồn vốn tín dụng cần thiết vào nông nghiệp, nông thôn…

Trước khi vào Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khai mạc Triển lãm quốc gia giới thiệu thành tựu phát triển nông nghiệp, nông thôn với quy mô hơn 100 gian hàng của các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tiêu biểu về nông nghiệp, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-tam-nong-nong-dan-phai-la-chu-the-112421.html