Phát triển Tâm lý học học đường trên thế giới và ở Việt Nam

Đây là chủ đề hội thảo quốc tế Tâm lý học học đường lần thứ V tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) sáng nay (28/7).

Hội thảo được Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đăng cai phối hợp với Bộ GD&ĐT Việt Nam, Liên hiệp Phát triển Tâm lý học học đường thế giới (CASP-I), các tổ chức phi chính phủ (NGOs), cơ sở GD&ĐT, các cơ quan quản lý giáo dục ở trung ương và địa phương tổ chức.

Dự họi thảo có TS. Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh-sinh viên (Bộ GD&ĐT), GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng, ông Charles Sellers – Quyền Phó Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), đại diện lãnh đạo CASP-I, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), các Sở GD&ĐT trên toàn quốc, cùng gần 300 nhà khoa học, nhà giáo, nhà thực hành đến từ hơn 50 cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước và quốc tế, các bệnh viện, các trung tâm, các trường học, tổ chức trong và ngoài nước.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật, công bố các kết quả nghiên cứu, kết nối, vận động các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, cơ quan truyền thông, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học và các bậc phụ huynh trong việc xây dựng, quy hoạch, phát triển ngành, nghề, dịch vụ Tâm lý học học đường tại Việt Nam và trên thế giới.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, TS. Ngũ Duy Anh đánh giá cao vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thảo; đồng thời nhấn mạnh: “Với thực tế về tâm lý và thực tiễn trong trường học đang diễn ra, việc phát triển TLHHĐ là rất cẩn thiết. Đây là việc làm thiết thực thể hiện sự quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Hội thảo quốc tế Tâm lý học học đường lần này là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, các cơ sở đào tạo chuyên gia tâm lý học đường, các cơ sở tư vấn tâm lý học đường trao đổi, chia sẻ về các chính sách về phát triển TLHHĐ; công tác đào tạo và thực hành phát triển TLHHĐ; vai trò của cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ trong hỗ trợ phát triển TLHHĐ; hoạt động truyền thông cho sự phát triển TLHHĐ ở các nhà trường và các cơ sở đào tạo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) - cho biết: Trong bối cảnh sống, học tập và rèn luyện của thế hệ trẻ ở xã hội hiện đại chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách người học. Nhu cầu được hỗ trợ về mặt tinh thần để phát triển thuận lợi nhất ngày càng trở nên cấp bách hơn đối với từng người học.

Bản thân hoạt động giáo dục trong các nhà trường cũng cần được làm phong phú thêm với những hiểu biết sâu hơn về mặt tâm lý của học sinh để tạo điều kiện thích nghi hóa nội dung giáo dục theo các khả năng và điều kiện của người học. Theo đó, hoạt động của các nhà tâm lý trong nhà trường có tác dụng nâng cao chất lượng học tập của học sinh, nhất là đối với những trẻ có khó khăn về học tập.

Đồng thời, hoạt động TLHHĐ cũng được mở rộng sang tư vấn, vạch hướng cho hoạt động sư phạm của các thầy cô giáo thông qua việc cung cấp những thông tin về mặt tâm lý của học sinh để tạo điều kiện cho các nhà giáo dục thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn.

“Nắm bắt được nhu cầu và tầm quan trọng của công tác TLHHĐ, ở Việt Nam, ngành GD&ĐT đã sớm có các chỉ đạo về công tác này trong tất cả các trường học, từ trường mầm non, tiểu học đến trung học và đại học. Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng như ở một số nước lân cận, TLHHĐ còn khá mới mẻ, chỉ được quan tâm phát triển trong khoảng 10 năm lại đây.

Trong các nhà trường, theo những quy định hiện hành, cũng chưa có thiết chế chuyên biệt cho công tác tâm lý học đường. Các hoạt động TLHHĐ còn ở mức độ thử nghiệm và tìm hướng. Chính vì vậy, Hội thảo là diễn đàn trao đổi và tìm kiếm những cách thức, con đường, biện pháp mới khai thác tối đa những cơ hội và tiềm năng để phát triển TLHHĐ, phát triển đội ngũ TLHHĐ như lực lượng nòng cốt quyết định sự thành công của công tác TLHHĐ trong các trường học trên thế giới, cũng như ở Việt Nam” - PGS.TS Lê Quang Sơn chia sẻ.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 28-29/7. Có hơn 73 bài báo khoa học về lĩnh vực TLHHĐ sẽ được giới thiệu tại Hội thảo. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và thực hành tâm lý học đường đến từ các trường Đại học và các cơ sở nghiên cứu và thực hành TLHHĐ của Việt Nam, Mỹ, Úc, Nhật.

Hội thảo sẽ tập trung thảo luận ở những nội dung cơ bản như: Chính sách về phát triển TLHHĐ; Công tác đào tạo TLHHĐ; Công tác thực hành phát triển TLHHĐ; Vai trò của cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ trong hỗ trợ phát triển TLHHĐ; Hoạt động truyền thông cho sự phát triển TLHHĐ; Phát triển TLHHĐ từ nhìn từ góc độ phụ huynh.

Có hơn 300 nhà khoa học, nhà giáo, nhà thực hành tâm lý học đường trong nước và quốc tế tham gia trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm phát triển tâm lý học học đường.

Hội thảo quốc tế Tâm lý học học đường lần thứ V với chủ đề: “Phát triển Tâm lý học học đường trên thế giới và ở Việt Nam” diễn ra trong 2 ngày (28-29/7) tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng).

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/phat-trien-tam-ly-hoc-hoc-duong-tren-the-gioi-va-o-viet-nam-2101873-c.html