Phát triển tài sản trí tuệ - hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bằng chính sách hợp lý và hiệu quả

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và cơ chế thúc đẩy việc tạo dựng vệ và phát triển tài sản trí tuệ (TSTT), đưa SHTT trở thành công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững kinh tế - xã hội như: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đề ra các nhiệm vụ quan trọng như: "Xây dựng được một số sản phẩm quốc gia mang thương hiệu Việt Nam", "Tăng nhanh số lượng các sáng chế được bảo hộ trong nước và ở nước ngoài", hoàn thiện các chính sách về hỗ trợ xác lập và bảo vệ quyền sở hữu TSTT"; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đặt ra nhiệm vụ "Tăng cường bảo hộ và thực thi quyền SHTT; Nghị quyết số 52-NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu "Hoàn thiện pháp luật về SHTT, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các TSTT do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền SHTT, đặc biệt là đối với các sáng chế tại Việt Nam...".

Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, Chương trình phát triển TSTT trên địa bàn thành phố Hà Nội tới đây sẽ thực hiện với quy mô lớn, triển khai sâu rộng hơn so với giai đoạn 2011 - 2020 nhằm thực thi hiệu quả Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030.

Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, Chương trình phát triển TSTT trên địa bàn thành phố Hà Nội tới đây sẽ thực hiện với quy mô lớn, triển khai sâu rộng hơn so với giai đoạn 2011 - 2020 nhằm thực thi hiệu quả Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030.

Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2011 - 2020 được phê duyệt theo các Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 06/12/2010 và số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ với kết quả đáng khích lệ: Có khoảng 5.000 số phát sóng chuyên mục về SHTT trên các đài truyền hình trung ương và địa phương, 37.000 người được tập huấn về SHTT, số lượng đơn đăng ký bảo hộ SHTT của Việt Nam tăng khoảng 10%/năm); phát triển nguồn nhân lực về SHTT cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước (10.000 người được đào tạo cơ bản và 2.500 người được đào tạo chuyên sâu về SHTT); 1.148 sản phẩm chủ lực địa phương, sản phẩm nông nghiệp đặc thù đã được Bộ KH&CN và các địa phương hỗ trợ bảo hộ quyền SHTT; tiếp nhận và công bố 299.442 đơn đăng ký xác lập quyền, bao gồm: 278.144 đơn đăng ký nhãn hiệu, 14.084 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 4.705 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích là 2.509 đơn). Chương trình đã nhận được hưởng ứng nhiệt tình, nhân rộng ra các địa phương.

Bên cạnh kết quả đáng khích lệ của Quốc gia, Hà Nội cũng luôn nỗ lực và tích cực trong hoạt động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển TSTT của Thủ đô, trong giai đoạn 2011 - 2020 đã có nhiều động SHTT được triển khai như: Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020 được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6374/QĐ-UBND ngày 27/12/2010 và Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 27/12/2018 thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020 với kết quả như sau: Có khoảng 25 số phát sóng chuyên mục về SHTT trên các đài truyền hình và truyền hình địa phương, hơn 3.000 người được tập huấn về SHTT, nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm (gần 70 sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp đặc thù, sản phẩm OCOP đã được Sở KH&CN hỗ trợ bảo hộ quyền SHTT); nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động bảo hộ, đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào thực tiễn đời sống, phục vụ lợi ích dân sinh (trong giai đoạn 2011 - 2020, Sở KH&CN tiến hành hỗ trợ tư vấn 291 đơn đăng ký xác lập quyền, bao gồm: 180 đơn đăng ký nhãn hiệu, 50 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 46 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích là 15 đơn).

Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Việc phát triển TSTT đối với nền kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tăng cường kết nối, hỗ trợ khai thác các tài sản vô hình (sáng chế/giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý) thành giá trị kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học - công nghệ tại các địa phương.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất kết hợp giữa truyền thống và công nghệ hiện đại để cho ra sản phẩm Phở tươi và Phở khô Hà Thành chất lượng và an toàn cho sức khỏe cộng đồng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương Nguyễn Thị Phương đánh giá cao vai trò của tài sản trí tuệ đối với sự phát triển của một doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương Nguyễn Thị Phương kiểm tra sản phẩm Phở khô Hà Thành trong siêu thị Shunshine Smart. Ảnh: Khắc Kiên

Giám đốc doanh nghiệp này cho biết, khi Song Phương bắt đầu triển khai đưa sản phẩm phở khô Hà Thành đến người tiêu dùng đã đăng ký quyền SHTT để khách hàng yên tâm không sợ bị mua phải hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Do được Nhà nước bảo hộ, cơ quan có thẩm quyền và pháp luật bảo hộ, công ty không gặp phải các vấn đề hạn chế, chống lại các đối thủ cạnh tranh. Quyền SHTT cũng góp phần giảm thiểu tổn thất cho các nhà sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy họ phát triển sản xuất và kinh doanh hợp pháp.

"Không chỉ vậy, trong kinh doanh thì TSTT là công cụ Marketing đắc lực giúp nhãn hiệu có chỗ đứng và tấn công vào thị trường khó tính. Bên cạnh đó, TSTT còn hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình lên kế hoạch, chính sách trong quá trình phân phối sản phẩm dễ dàng hơn. Điều đó chứng minh cụ thể là khi người tiêu dùng mua hàng sẽ cảm thấy tin tưởng hơn, yên tâm hơn so với những sản phẩm khác cùng loại chưa được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ", bà Nguyễn Thị Phương chia sẻ.

Theo ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục SHTT, việc hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, làng nghề, hiệp hội, hộ kinh doanh xây dựng chiến lược SHTT và quản trị TSTT được đẩy mạnh, góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, làng nghề, hiệp hội, hộ kinh doanh quản lý và khai thác tốt nguồn TSTT. Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 đặt ra mục tiêu hoạt động SHTT có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác TSTT, đồng thời, thúc đẩy các hoạt động tạo ra TSTT và khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác TSTT là một trong các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thực hiện để triển khai.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết: Trên cơ sở bám sát nội dung tại Quyết định 2205/QĐ-TTG ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phát triển TSTT đến năm 2030 và Chương trình 07-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh phát triển Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình phát triển TSTT trên địa bàn thành phố đến năm 2030 đề ra mục tiêu đến năm 2030, 100% các trường đại học, cao đẳng của Thành phố được tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về SHTT; tối thiểu 50% các doanh nghiệp đóng trên địa bàn được tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về SHTT; tối thiểu 40% sản phẩm chủ lực, đặc thù của Thành phố và các sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Số lượng đơn đăng ký sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm. Tối thiểu 60% sản phẩm chủ lực, đặc thù của Thành phố và các sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Với quan điểm và định hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đưa SHTT trở thành một trong những công cụ hữu hiệu để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ, đảm bảo khả năng cạnh tranh lành mạnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội. Sở Khoa học và Công nghệ đặt mục tiêu và kỳ vọng Chương trình tới đây sẽ thực hiện với quy mô lớn, triển khai sâu rộng hơn so với giai đoạn 2011 - 2020 nhằm thực thi hiệu quả Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp về bảo hộ, khai thác, quản trị và phát triển TSTT.

Trong khuôn khổ Chương trình phát triển TSTT tuệ nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT và đưa vào sản xuất kinh doanh. Mục tiêu của Chiến lược SHTT đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT.

PV

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phat-trien-tai-san-tri-tue-hieu-qua-lau-dai-va-lan-toa-417084.html