Phát triển sinh kế cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng

Chiều 6/11, Liên hiệp các hội KH&KT Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển nguồn lực nông thôn Hà Tĩnh tổ chức hội thảo 'Các giải pháp để cộng đồng tham gia giám sát về sự thay đổi rừng tại Hà Tĩnh'.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội KH&KT Nguyễn Thanh Sơn chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu các nội dung chính của chương trình hỗ trợ kỹ thuật Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ như: Mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, tổ chức quản lý thực hiện, nguồn vốn đầu tư…

Chương trình là một sáng kiến REDD+ của Việt Nam được Quỹ đối tác Cacbon lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới tài trợ, thực hiện tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, dự kiến thực hiện từ 2019 - 2025.

Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Thiều giới thiệu tổng quan về chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ.

Chương trình gồm 4 hợp phần, 10 tiểu hợp phần và 28 hoạt động chính với mục tiêu tổng quát là giải quyết các nguyên nhân gây mất và suy thoái rừng, thúc đẩy phục hồi và quản lý rừng bền bững, đóng góp vào cam kết của Việt Nam trong mục tiêu giảm phát thải tự nguyện, chương trình hành động REDD+ đến năm 2030.

Ông Nguyễn Thừa Lộc - Phó trưởng Phòng nông nghiệp huyện Hương Khê: Cần tập trung bảo tồn diện tích rừng tự nhiên hiện có thông qua việc thực hiện hợp tác quản lý rừng giữa các BQL rừng, công ty lâm nghiệp và cộng đồng.

Theo tính toán, chương trình được kỳ vọng sẽ giảm phát thải khoảng 32,1 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2018-2025 thông qua kiểm soát mất rừng và suy thoái rừng tại các địa phương.

Từ đó, thúc đẩy quản lý rừng bền vững bao gồm quản lý gần 917.232 ha rừng hiện có, phát triển 65.265 ha rừng trồng gỗ lớn, phục hồi 105.703 ha từng tự nhiên nghèo; thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Chương trình hỗ trợ giảm phát thải ở vùng Bắc Trung Bộ cần được tập trung thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là vấn đề tạo ra sinh kế cho người dân gắn với rừng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận thống nhất kế hoạch và các giải pháp như tuyên truyền các dự án, nâng cao đời sống người trồng rừng, xây dựng đề án phát triển mô hình kinh tế rừng… để các tổ chức xã hội và cộng đồng tích cực tham gia giám sát về sự thay đổi rừng tại Hà Tĩnh.

Thái Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/phat-trien-sinh-ke-cho-cong-dong-song-phu-thuoc-vao-rung/163624.htm