Phát triển sinh kế bền vững cho phụ nữ nông thôn

Mới đây, Quỹ Chanel đã tài trợ 850.000 đô-la Mỹ để thực hiện dự án 'Sinh kế bền vững cho phụ nữ nông thôn chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai' tại 3 tỉnh Lào Cai, Phú Yên và Quảng Nam. Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Tại khu vực nông thôn, miền núi, phụ nữ chủ yếu tham gia vào các hoạt động nông nghiệp và sinh kế nhỏ lẻ nên hạn chế tiếp cận thông tin, nguồn lực, tín dụng, thị trường, các chương trình đào tạo nghề và dịch vụ khuyến nông. Thực tế này dẫn đến việc, đa phần chị em không đủ năng lực thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.

Nếu được trợ giúp, phụ nữ sẽ có đóng góp hiệu quả vào nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu

Nếu được trợ giúp, phụ nữ sẽ có đóng góp hiệu quả vào nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu

Với mong muốn xây dựng các sinh kế bền vững để cải thiện đời sống và thúc đẩy khả năng lãnh đạo của phụ nữ trong các hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai/ thích ứng với biến đổi khí hậu tại cộng đồng…, Quỹ Chanel đã quyết định dành 850.000 đô-la Mỹ (trong thời gian 3 năm) để hỗ trợ cho 4 nhóm dự án của phụ nữ nông thôn nghèo và phụ nữ DTTS.

Cụ thể, nhóm 1 là mô hình “Nuôi gà thả vườn an toàn sinh học gắn với tăng cường nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống và khả năng ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu” thực hiện tại xã Quang Kim (huyện Bát Xát) và xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà) thuộc tỉnh Lào Cai. Mô hình sử dụng điện năng vào việc sưởi ấm cho gà, vận hành máng ăn tự động, thắp sáng bóng đèn vào ban đêm nhằm phòng chuột, mèo và để gà ăn nhiều thức ăn hơn. Song song với đó, áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học, tuân thủ nghiêm ngặt lịch chích ngừa vắc-xin cúm gia cầm, lựa chọn con giống tốt để hạn chế lây lan dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.

Nhóm 2 là mô hình “Trồng thâm canh lạc đỏ địa phương áp dụng biện pháp che phủ nylon theo hướng VietGAP” triển khai ở xã Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Mô hình sẽ giúp thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nâng cao hiểu biết và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và thâm canh cây lạc. Đồng thời, tiến hành các hoạt động tập huấn kỹ năng tiếp cận thị trường, đàm phán, thương thảo hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng lực của chị em.

Nhóm 3 là mô hình “Trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả” tại xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên). Tham gia mô hình, chị em sẽ được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng sen, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao năng suất. Mô hình cũng hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, nhóm phụ nữ cùng sở thích, có các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực dự báo nhu cầu của thị trường, lập kế hoạch sản xuất và triển khai các kế hoạch sản xuất cho phụ nữ tham gia mô hình, qua đó nâng cao năng lực của chị em.

Nhóm 4 là mô hình “Rong mứt Tam Hải” triển khai tại xã Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Với mô hình này, chị em sẽ được đào tạo hướng dẫn cách thức tổ chức phối hợp sản xuất, chế biến, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, phụ nữ sẽ có năng lực và tự tin hơn trong quá trình ra quyết định.

Tại hội thảo tham vấn giới thiệu dự án tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà Vũ Phương Ly – Chuyên gia về chương trình của Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho rằng: “Nếu phụ nữ không được tham gia bình đẳng vào các hoạt động thì sẽ làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của chị em và cản trở thành công chung. Bởi bình đẳng giới chính là cơ sở giúp các hoạt động ứng phó bởi rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu trở nên hiệu quả và cũng là cơ chế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”. Chính vì vậy, bà Vũ Phương Lý tin tưởng: “Phụ nữ địa phương ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nếu được hỗ trợ cải thiện sinh kế và nâng cao năng lực, có thể đóng góp hiệu quả vào nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng phục hồi và phát triển bền vững”.

P.V

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-sinh-ke-ben-vung-cho-phu-nu-nong-thon-121192.html