Phát triển sản xuất ô tô tại Việt Nam: Cần chiến lược mới

Sau hàng chục năm trầy trật không được như mong muốn, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đạt được những dấu ấn phát triển mới. Kết quả này được tiếp sức từ những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự nỗ lực, quyết tâm của doanh nghiệp. Liệu đã đến lúc chúng ta cần một chiến lược mới để phù hợp với sự tăng trưởng nhanh của ngành ô tô Việt Nam?

VinFast xuất xưởng chiếc xe “made in VietNam” đầu tiên vào ngày 6/3, tại Hải Phòng. Ảnh: Nguyễn Hà.

VinFast xuất xưởng chiếc xe “made in VietNam” đầu tiên vào ngày 6/3, tại Hải Phòng. Ảnh: Nguyễn Hà.

“Quyết” sản xuất, không lệ thuộc nhập khẩu

Phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực đến 30 năm, nền công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trên con đường phát triển. Trong suốt thời gian dài, với nhiều chính sách hỗ trợ, ủng hộ của Chính phủ, nhưng các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn không phát triển được. Các liên doanh sản xuất ô tô chỉ mải chú trọng nhập khẩu, không đầu tư phát triển sản xuất trong nước.

Năm 2018 được xem là thách thức sống còn với ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước trong khu vực theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) xuống 0%. Đây chính là thời điểm đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam.

Trước nguy cơ Việt Nam có khả năng trở thành nơi tiêu thụ cho các trung tâm sản xuất ô tô được đặt tại Thái Lan và Indonesia, Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm trong Quyết định 589/QĐ-TTg với nội dung phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 xét đến 2025. Nội dung đáng chú ý là: Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Trong bối cảnh nguy cơ thị trường trong nước tràn ngập xe nhập khẩu của khu vực khi thuế nhập khẩu xuống 0% thì tháng 10/2017, Nghị định số 116/2017/NĐ-CP được ban hành được xem như là một cú huých giờ chót đem về nhiều lợi thế cho sản xuất, lắp ráp trong nước, tạo rào cản mới đối với xe nhập khẩu.

Tác động mạnh từ chính sách

Quyết định 589 và Nghị định số 116 cùng sự quyết liệt chỉ đạo thực hiện của Chính phủ và các bộ, ngành đã tạo sự chuyển động mạnh mẽ tới ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho biết: sau khi Nghị định 116 có hiệu lực, hoạt động nhập khẩu ô tô chững lại trong 6 tháng đầu năm 2019. Kết quả năm 2018, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đạt 81.609 chiếc (trị giá 1,8 tỷ USD), giảm 16% về số lượng và 19,8% về trị giá so với năm trước.

Tuy nhiên “rào cản” này chỉ có tác động nhất định, bởi bước sang năm 2019, khi nhiều doanh nghiệp đã đáp ứng được các quy định theo Nghị định 116, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đã tăng nhanh. Chỉ 6 tháng đầu năm số lượng đã đạt gần bằng cả năm 2018 với 75.438 chiếc (tăng 513% về lượng và 413% về trị giá so với cùng kỳ năm trước).

Bộ Công Thương nhận định, lượng ô tô nhập khẩu, đặc biệt là các loại xe con sẽ tiếp tục tăng mạnh, duy trì mức cao ở những năm tiếp theo. Vì vậy sự vươn lên của các doanh nghiệp sản xuất trong nước để chiếm lĩnh thị trường nội địa mới là giải pháp hiệu quả lâu dài

Trong cuộc họp bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp ô tô (tổ chức hồi đầu tháng 3/2019), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm cho rằng trong bối cảnh tự do hóa thương mại thì không cần sản xuất ô tô trong nước là sai lầm, nhất là khi chúng ta tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ tiếp tục củng cố thể chế, chính sách tốt hơn, có lợi cho sản xuất, cho người dân và không trái với thông lệ, cam kết hội nhập quốc tế. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước ngoài tạo việc làm, cũng cần mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu; đổi mới sáng tạo, hợp tác và phân công sản xuất nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ, đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho mỗi chiếc xe.

Do vậy Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ liên quan đến phụ tùng ô tô, chính sách về đầu tư, nhất là đầu tư sản phẩm công nghệ cao... Các địa phương có doanh nghiệp trên địa bàn cần quan tâm, trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Bước chuyển mình của doanh nghiệp Việt

Với quyết tâm và chiến lược đầu tư sản xuất ô tô trong nước, tận dụng quãng thời gian quý giá nhờ các chính sách ủng hộ, hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành, hiện các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đã bước đầu khẳng định vài trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và có bước phát triển mạnh mẽ cà về lượng và chất.

Báo cáo số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2018, chỉ riêng hai doanh nghiệp trong nước là Hyundai Thành Công (TC Motor) và Trường Hải (Thaco) đạt 144.960 xe (chiếm tới 45,7% tổng lượng xe lắp ráp và nhập khẩu; 58% lượng xe sản xuất trong nước). Tính riêng Hyundai Thành Công, năm 2018 doanh nghiệp này đã sản xuất 61.460 chiếc tăng mạnh so với năm 2017 là 28.383 chiếc.

6 tháng đầu năm hai doanh nghiệp này sản xuất đạt 81.595 chiếc, tăng 10,8% về lượng, chiếm 40% tổng lượng xe sản xuất và nhập khẩu. TC Motor đã chuyển sang sản xuất trong nước toàn bộ các sản phẩm, không nhập khẩu.

Tương quan về sản lượng giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu đã có sự thay đổi đáng kể từ 2,5 lần ( 258.733/ 103.338) trong năm 2017 thành 3,72 lần (250.081/67.148) năm 2018.

Ngoài 2 doanh nghiệp TC Motor và Thaco, các doanh nghiệp khác như Mercedes, Toyota, Ford, Honda, Mitsubishi… cũng đã đầu tư, tăng lượng xe sản xuất trong nước. Hiện tổng năng lực sản xuất – lắp ráp ô tô Việt Nam vào khoảng 600 ngàn xe/năm bao gồm hầu hết các chủng loại xe con, xe tải và xe khách. Trong đó, một số chủng loại xe đã đạt được tỷ lệ nội địa tương đối cao như xe tải đến 7 tấn đạt 55%, xe khách từ 24 chỗ trở lên đạt từ 45 – 55%, đưa đến cơ hội Việt Nam đã có thể xuất khẩu sản phẩm ô tô sang các thị trường như Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…

Đặc biệt, năm 2019, với 2 sản phẩm, lần đầu tiên, VinFast (của tập đoàn VinGroup), thương hiệu ô tô Việt Nam chính thức xuất hiện trên thị trường gây sự chú ý không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.

Cần những cú huých mới

Báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định: Nếu sản xuất trong nước không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh, nhất là cạnh tranh với lượng xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN (do được ưu đãi thuế 0%) thì sẽ khó có thể duy trì được tỉ trọng giữa nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất lắp ráp ô tô trong nước phát triển. Theo đó, cơ quan này đã đề xuất Chính phủ hàng loạt giải pháp, cụ thể tập trung vào 3 nhóm. Một là, hoàn thiện và đơn giản hóa các chính sách, thủ tục về thuế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ; hai là, điều chỉnh các quy định về thuế và ngân sách; ba là, ưu đãi đặc biệt các dự án sản xuất ô tô dưới 9 chỗ ngồi có quy mô từ 50.000 xe/năm trở lên, có sản phẩm xuất khẩu.

Có thể nói đã đến lúc cần phải nhanh chóng hình thành một chiến lược mới để phù hợp với sự tăng trưởng nhanh của ngành ô tô Việt Nam. Và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được xem là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam có thể tạo bước phát triển mang tính đột phá theo 4 xu hướng chính gồm: Tự động hóa, kết nối, xe điện và chia sẻ xe như một dịch vụ.

Nguyễn Hà

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/phat-trien-san-xuat-o-to-tai-viet-nam-can-chien-luoc-moi-111021-111021.html