Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm

Thời gian qua, các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần tạo nên những sản phẩm đặc trưng, bảo đảm chất lượng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Mô hình trồng cam tại thị trấn Vân Du (Thạch Thành) ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất cao.

Để nâng cao giá trị sản xuất, hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam Vân Du, huyện Thạch Thành đã tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển các mô hình trồng cam tập trung quy mô lớn. Đồng thời, thực hiện các biện pháp thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến nay, trên địa bàn huyện đã trồng được hơn 500 ha cam, bưởi và đang tiếp tục mở rộng diện tích. Nhiều diện tích cây ăn quả áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị hàng hóa. Ngày 31-10-2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4504/QĐ-UBND cho phép UBND huyện Thạch Thành được sử dụng địa danh “Vân Du” để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Cam Vân Du”. Trên cơ sở đó, huyện đã triển khai cho các hộ trồng cam trên địa bàn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Cam Vân Du” theo quy định. Đây là tiền đề vững chắc nhằm hỗ trợ tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế và từng bước xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cam Vân Du.

Việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu luôn được các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện. Đồng thời, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư, đẩy mạnh cơ giới hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các vùng lúa thâm canh, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; vùng ngô thâm canh năng suất, chất lượng cao, tập trung tại các huyện Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, Đông Sơn, Ngọc Lặc... Ngoài ra, hình thành vùng sản xuất rau an toàn tập trung với 2.980 ha, vùng cây ăn quả tập trung 5.172 ha... Bên cạnh đó, một số đối tượng cây trồng khác đang được sản xuất tập trung, chuyên canh đang được hình thành với diện tích hàng trăm ha, như: cây gai xanh, cói... Từ việc phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn, các địa phương luôn quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương cùng các địa phương lựa chọn các sản phẩm truyền thống, đặc sắc của từng địa phương để hỗ trợ việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Đến nay, đã có 4 văn bằng bảo hộ về chỉ dẫn địa lý: “Mắm tôm Hậu Lộc”, “Chiếu cói Nga Sơn”, “Bưởi Luận Văn”, “Quế ngọc Thường Xuân”; 7 nhãn hiệu tập thể: “Nước mắm Khúc Phụ”, “Nước mắm Do Xuyên - Ba Làng”, “Bánh gai Tứ Trụ”, “Nón lá Trường Giang”, “Tơ Hồng Đô”; “Kẹo nhãn thị trấn Lang Chánh”, “Miến gạo Thăng Long”; 17.422 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC...

Hiện ngành nông nghiệp và các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương đang rà soát, điều chỉnh các vùng sản xuất tập trung để tích hợp vào quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư sản xuất hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa số lượng lớn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách cho vùng sản xuất tập trung, nhất là chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng. Đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, hình thành chuỗi sản xuất bền vững. Cùng với phát triển sản xuất, việc xây dựng thương hiệu để quảng bá, giới thiệu với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh cũng được quan tâm thực hiện. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, địa phương trong tỉnh tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại của Trung ương và của các tỉnh, thành phố để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, các khu công nghiệp để đưa nông sản tỉnh Thanh Hóa đến với người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-gan-voi-xay-dung-thuong-hieu-san-pham/124692.htm