Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với chế biến, tiêu thụ

Để phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với chế biến, tiêu thụ, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đã và đang tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt định hướng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và quản lý thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm.

Cánh đồng sản xuất lúa được liên kết và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp phục vụ chế biến tại xã Đông Tiến (Đông Sơn). Ảnh: Hương Thơm

Với 11 sản phẩm nông nghiệp chủ lực (SPNNCL), trong đó có 6 sản phẩm nằm trong mục SPNNCL quốc gia và 5 SPNNCL của tỉnh, nhưng tỉnh Thanh Hóa lại chưa có SPNNCL đặc trưng mang tính chất thương hiệu vùng miền. Nguyên nhân là bởi hầu hết các sản phẩm chưa gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, phần lớn SPNNCL được sản xuất ra đều được tiêu thụ theo sản phẩm thô trong thị trường nội địa, nên giá trị của các SPNNCL không cao. Vì vậy, để nâng cao giá trị cho các SPNNCL, những năm gần đây tỉnh đã quan tâm, chú trọng việc phát triển các SPNNCL gắn với chế biến, tiêu thụ.

Để phát triển SPNNCL gắn với chế biến, tiêu thụ, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đã và đang tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt định hướng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và quản lý thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, chuỗi liên kết sản xuất trồng trọt có hiệu quả cao; phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại tập trung quy mô lớn, hiện đại. Liên kết với các cơ sở chế biến để hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với cấp chứng chỉ FSC. Tập trung sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo vùng, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm để thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến tinh, sâu. Đẩy mạnh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất - bảo quản - chế biến - vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, áp dụng quản lý chất lượng tiên tiến kết hợp tổ chức sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, khuyến khích, tạo cơ chế hỗ trợ hình thành các mô hình liên kết, hợp tác về sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng chuyên môn hóa và ưu tiên hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ sau thu hoạch với các chính sách ưu đãi về tín dụng; hướng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo nhân lực và nâng cao trình độ quản lý. Xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín: Thu hoạch - phơi sấy - sơ chế, giết mổ - bảo quản - chế biến - tiêu thụ.

Nhờ đẩy mạnh thực hiện các nhóm giải pháp phát triển gắn với chế biến, tiêu thụ, nên đến nay đã hình thành được các mô hình sản xuất SPNNCL theo chuỗi giá trị. Điển hình như sản phẩm lúa, gạo, hiện đã có hơn 10.000 ha được sản xuất theo chuỗi giá trị, với 193 chuỗi cung ứng lúa, gạo; trong đó, có một số chuỗi bảo đảm được cả chất và lượng, như: Chuỗi sản xuất lúa hữu cơ, tổng diện tích khoảng 280 ha; chuỗi sản xuất lúa chất lượng cao, diện tích 40 ha tại các xã: Thiệu Minh, Thiệu Tâm, Thiệu Thịnh (Thiệu Hóa); chuỗi sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 200 ha tại các xã: Trường Sơn, Tượng Văn, Minh Nghĩa, Tế Lợi (Nông Cống)... Trên địa bàn tỉnh cũng đã thu hút được 5 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lúa, gạo: Công ty CP Thương mại Sao Khuê, Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH Nông sản An Thành Phong, Công ty TNHH Giống cây trồng Bắc Trung bộ, Công ty TNHH Lương thực Thuần Dũng, với tổng công suất chế biến đạt 235.000 tấn/năm. Sản phẩm rau, quả thu hút được 17 doanh nghiệp chế biến rau, với công suất 109.200 tấn/năm. Sản phẩm rau chủ yếu được chế biến thông qua việc sơ chế, đóng gói bảo quản cung cấp cho thị trường.

Đối với sản phẩm thịt và trứng gia cầm, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành và phát triển được các chuỗi liên kết chăn nuôi gà gắn với chế biến và tiêu thụ ở các huyện, như: Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Triệu Sơn,... với Công ty CP Nông sản Phú Gia; Công ty CP Giống và Phát triển chăn nuôi Thọ Xuân, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Phúc Vinh. Ngoài ra, còn liên kết chăn nuôi gia công các loại gà với các tập đoàn chăn nuôi lớn, như: Tập đoàn Japfa Việt Nam, Dabaco Việt Nam, Tập đoàn CP Việt Nam.

Việc thu hút được doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất SPNNCL theo chuỗi giá trị đã và đang góp phần đáng kể vào việc nâng cao giá trị sản xuất cho các sản phẩm. Đồng thời, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-san-pham-nong-nghiep-chu-luc-nbsp-gan-voi-che-bien-tieu-thu-nbsp/136015.htm