Phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống

Phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống; Phát động cuộc thi viết với chủ đề 'Bộ đội hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy'; Chú trọng công tác phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân… là những thông tin văn hóa nổi bật tại Hà Nội và Hải Dương.

Du khách tham quan sản phẩm gốm Bát Tràng. Ảnh: Công an Nhân dân

Du khách tham quan sản phẩm gốm Bát Tràng. Ảnh: Công an Nhân dân

Hà Nội: Chiều 2/3, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức hội nghị về phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố nhằm tìm ra những giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề, xây dựng các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Hà Nội trong bối cảnh ngành Du lịch Thủ đô nỗ lực "vượt khó" do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hội nghị có sự tham gia của nhiều nghệ nhân các làng nghề, những đơn vị sản xuất trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, quà tặng du lịch của Hà Nội, như: Nón làng Chuông, chuồn chuồn tre Thạch Xá, gốm sứ Bát Tràng, tò he Xuân La, lụa Vạn Phúc...

Sự kiện có ý nghĩa giúp các làng nghề định hình hướng phát triển, thực hiện những sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn hướng tới việc phục vụ du khách đến Hà Nội tham dự các sự kiện quốc tế, trong đó có Giải đua xe Công thức 1 (F1), dự kiến diễn ra vào đầu tháng 4-2020.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, hiện nay, Hà Nội có hơn 1.300 làng nghề, đó là tiềm năng lớn để phát triển du lịch Thủ đô. Các làng nghề truyền thống của Hà Nội đã có nhiều đóng góp cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn riêng của Thủ đô. Việc phát triển du lịch làng nghề cũng là hướng đi mà ngành Du lịch Thủ đô hướng tới để khôi phục thị trường nội địa trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực tế là nhiều sản phẩm lưu niệm của Hà Nội chưa thể hiện rõ đặc trưng của du lịch Thủ đô; mẫu mã, bao bì chưa hấp dẫn nên chưa hút khách.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ đăng cai tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế. Để chuẩn bị phục vụ lượng khách quốc tế đến Hà Nội, các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm lưu niệm, quà tặng, các làng nghề cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng sản xuất và mẫu mã, bao bì sản phẩm. Ngoài ra, các làng nghề cần phải đưa khoa học, công nghệ vào việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi hơn tới du khách trong và ngoài nước.

Cũng tại Hà Nội: Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) và Báo Quân đội nhân dân vừa phát động cuộc thi viết với chủ đề "Bộ đội hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy", nhằm hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Hậu cần quân đội (11/7/1950 - 11/7/2020).

Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng các hoạt động công tác hậu cần của Tổng cục Hậu cần và ngành hậu cần toàn quân trên Báo Quân đội nhân dân và các cơ quan báo chí trong quân đội, thúc đẩy phong trào thi đua ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy lên một bước mới; phát hiện, tôn vinh, nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong thực hiện công tác hậu cần; cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động ngành hậu cần quân đội vươn lên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Cuộc thi dành cho tác phẩm báo chí thuộc các thể loại: Bài phản ánh, phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí, gương người tốt - việc tốt… Nội dung các bài viết hướng vào phản ánh hoạt động trong công tác bảo đảm hậu cần của toàn quân, nhất là đối với bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương trong 10 năm gần đây: Kinh nghiệm, mô hình bảo đảm hậu cần; hoạt động của đơn vị chuyên trách hậu cần; đào tạo, huấn luyện, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa; chăm sóc sức khỏe nhân dân; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; cứu hộ, cứu nạn; xây dựng nông thôn mới…

Tác phẩm chất lượng sẽ được lựa chọn, đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân và các báo, tạp chí trong quân đội. Ban tổ chức cũng có phần thưởng tặng các đơn vị, tập thể, cá nhân có nhiều tác phẩm tham gia dự thi và có đóng góp tích cực cho cuộc thi.

Ban tổ chức nhận bài dự thi đến hết ngày 31/5/2020, tại Báo Quân đội nhân dân hoặc Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần.

Về đối tượng tham dự giải: Là phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, các TTV-CTV trong và ngoài quân đội trên địa bàn cả nước có tác phẩm tham gia Cuộc thi viết "Bộ đội Hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy" theo đúng thể lệ cuộc thi.

Về cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải đặc biệt: 50 triệu đồng; 1 giải nhất: 20 triệu đồng; 2 giải nhì, mỗi giải 10 triệu đồng; 3 giải ba, mỗi giải 5 triệu đồng; 15 giải khuyến khích, mỗi giải 2 triệu đồng. Ban tổ chức có phần thưởng tặng các đơn vị, tập thể, cá nhân có nhiều tác phẩm tham gia dự thi và có đóng góp tích cực cho cuộc thi.

Hải Dương: Theo Sở VHTTDL Hải Dương, trong thời gian qua, Tỉnh luôn chú trọng đến công tác phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt tại các huyện vùng sâu, vùng xa; hướng đến mục tiêu giảm sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương góp phần củng cố quốc phòng – an ninh, để văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong đó Điện ảnh là ngành nghệ thuật có tính đại chúng, tính phổ cập cao, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm và đời sống tinh thần của nhân dân. Sở VHTTDL đã chỉ đạo Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng thực hiện tốt việc đưa Điện ảnh đến với nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Theo đó, năm 2019, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng đã chiếu lưu động 600 buổi, số lượt người xem khoảng 75.000 lượt người. Nội dung phim phong phú và đa dạng như kết hợp tuyên truyền nhiệm vụ chính trị và chiếu phim phục vụ nhân dân, với những thể loại phim truyện, tài liệu khoa học về các đề tài chiến tranh bảo vệ quê hương đất nước, các mô hình làm kinh tế giỏi gương người tốt việc tốt. Chiếu phim tuyên truyền về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị theo chuyên đề "Học và làm theo phong cách lãnh đạo gần dân, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh" thông qua những thước phim tài liệu và phim truyện. Chiếu phim tuyên truyền về tác hại và cách phòng, tránh ma túy trong học đường cho học sinh trong các trường tiểu học, trung học cơ sở. Chiếu phim hoạt hình về đề tài lịch sử, tuyên truyền phòng chống tai nạn đuối nước, thương tích cho trẻ em trong dịp nghỉ hè.

Lan Anh (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/phat-trien-san-pham-lang-nghe-truyen-thong-20200303144700546.htm