Phát triển sản phẩm bảo đảm cho vũ khí chuyên ngành, hiện đại

Từ năm 2015 đến nay, Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã nỗ lực, chủ động nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và ứng dụng kỹ thuật mới, hiện đại vào sản xuất sản phẩm quốc phòng và kinh tế; đồng thời giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp trong nghiên cứu chế tạo các chi tiết, bộ hỏa cụ cho vũ khí các chuyên ngành không quân, hải quân...

Tham quan dây chuyền sản xuất hạt lửa ướt, Thiếu tá Bùi Thế Mạnh, Phó quản đốc Phân xưởng Sản xuất hạt lửa (Xí nghiệp Hỏa cụ, Nhà máy Z121) giới thiệu: Những năm qua, phân xưởng đã áp dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật và công nghệ mới do nhà máy nghiên cứu phát triển vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian, chi phí nhân công, hạ giá thành sản phẩm. Xí nghiệp đã ứng dụng máy nén có độ chính xác cao MN-1000, sử dụng thủy lực, bảo đảm ổn định lực nén. Máy có hệ thống điều khiển tự động giám sát áp suất, duy trì áp suất theo thời gian và nén được 3 lần với 3 lực nén khác nhau trên cùng lượt ép, thay thế hoàn toàn thao tác thủ công. Đưa máy vào ứng dụng giúp phân xưởng tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hạt lửa các loại, bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất. Nhờ đó, năng lực sản xuất hàng quốc phòng, kinh tế của nhà máy nâng lên, đáp ứng kế hoạch được giao.

 Công nhân Nhà máy Z121 vận hành trên máy ép MN-1000 do cán bộ kỹ thuật nhà máy thiết kế, chế tạo.

Công nhân Nhà máy Z121 vận hành trên máy ép MN-1000 do cán bộ kỹ thuật nhà máy thiết kế, chế tạo.

Đạt kết quả trên là do công tác KHCN luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nhà máy. Trung tá Lê Đức Hạnh, Phó giám đốc Nhà máy Z121 khẳng định: Nhà máy luôn xác định KHCN là then chốt, định hướng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, phát động và khuyến khích cán bộ, kỹ thuật viên, công nhân tham gia, trong đó lấy cơ quan kỹ thuật và cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn và tay nghề cao làm nòng cốt trong nghiên cứu phát triển KHCN; đồng thời xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động KHCN. Cùng với đó, nhà máy chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ KHCN, nhân viên kỹ thuật.

Đến nay, 100% cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học trở lên, bảo đảm làm chủ công nghệ và đề xuất ý tưởng, phụ trách và làm chủ nhiệm đề tài KHCN, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được giao. Nhà máy tổ chức giao nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở cho các tập thể, cá nhân; thành lập tổ nghiên cứu KHCN để phối hợp thực hiện đề tài, đồng thời gắn nhiệm vụ nghiên cứu KHCN với chức trách, nhiệm vụ cán bộ; lấy kết quả công tác KHCN để đánh giá năng lực, chất lượng cán bộ, xét thi đua hằng năm...

Giai đoạn 2015-2020, nhà máy triển khai và hoàn thành 85 đề tài KHCN các cấp, dự án, chương trình hợp lý hóa sản xuất; 32 công trình cơ khí hóa, tự động hóa và 1.429 sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Nhà máy còn phối hợp với các viện nghiên cứu chế thử thành công nhiều sản phẩm thuộc các đề tài có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội.

Nổi bật trong công tác KHCN của nhà máy là tập trung thực hiện các đề tài nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề kỹ thuật phức tạp, vướng mắc kéo dài trong nhiều năm. Nhiều sáng kiến giá trị cao đưa vào ứng dụng hiệu quả như: Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất hạt lửa K51SK; nghiên cứu sấy các loại hạt lửa ướt bằng phương pháp sấy hồng ngoại; hoàn thiện công nghệ sản xuất ống nổ tia lửa điện để nâng cao chất lượng sản phẩm, khắc phục hiện tượng suy giảm điện trở ống nổ tia điện, ổn định chất lượng, giảm tỷ lệ hỏng sản phẩm; nghiên cứu nâng cao chất lượng các loại liều vạch đường đạn PG9, OG9, B41M...

Trước yêu cầu nghiên cứu phát triển phục vụ sản xuất quốc phòng, ngoài việc nghiên cứu bảo đảm chế tạo các sản phẩm hỏa cụ truyền thống cho vũ khí lục quân, nhà máy còn tập trung lực lượng nghiên cứu các loại hỏa cụ mới cho vũ khí không quân, hải quân để đưa vào trang bị thay thế cho các loại hỏa cụ cũ và xuống cấp. Nhà máy còn hoàn thành các công trình cơ khí hóa, tự động hóa; thiết kế chế tạo các thiết bị dự án chuyển giao đồng bộ dây chuyền liều phóng... Qua đó khẳng định trình độ, năng lực thiết kế, chế tạo thiết bị có độ phức tạp cao của nhà máy. Những đề tài trên có tính mới về công nghệ, lần đầu tiên nghiên cứu chế tạo thành công trên dây chuyền thiết bị công nghệ hiện có của nhà máy, góp phần đáp ứng được yêu cầu sửa chữa, thay thế các loại hỏa cụ dùng cho vũ khí không quân, hải quân, tiết kiệm ngân sách và chủ động bảo đảm kỹ thuật, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Bài và ảnh: NGUYỄN ĐÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/phat-trien-san-pham-bao-dam-cho-vu-khi-chuyen-nganh-hien-dai-661052