Phát triển rừng luồng thâm canh

Theo con đường đất mấp mô, chúng tôi vào rừng luồng thôn Ngán Sen, xã Điền Trung (Bá Thước), khi những rừng luồng hiện ra cũng là lúc anh Nguyễn Tuấn Hồng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, bắt đầu câu chuyện: 'Cây luồng được đồng bào các dân tộc khu vực miền núi trong tỉnh trồng từ lâu đời.

Cán bộ Chi cục Lâm nghiệp tỉnh hướng dẫn người dân xã Điền Trung (Bá Thước) chăm sóc rừng luồng. Ảnh: Trần Thanh

Ngày xưa, khi giao thương còn khó khăn, bà con dùng luồng để đổi lấy gạo, muối, mắm và đồ dùng gia đình hàng ngày. Hiện nay, tỉnh ta có khoảng 71.375 ha rừng luồng, chủ yếu tập trung nhiều ở các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân và một phần diện tích phân bổ ở các huyện trung du. Toàn vùng có khoảng 24.400 hộ dân tham gia trồng luồng, nói như vậy để thấy cây luồng giữ vai trò quan trọng trong đời sống người dân miền núi”.

Tôi hỏi anh Hồng, anh còn ký ức nào về rừng luồng xứ Thanh xưa kia không. Như đã ăn sâu vào trong trí nhớ của mình, anh Hồng trả lời tôi: Thời “hoàng kim” của cây luồng xứ Thanh rơi vào những năm 70 của thế kỷ XX. Thời kỳ này, cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã 5 lần gửi thư khen ngợi về phong trào trồng luồng của đồng bào các dân tộc miền núi xứ Thanh. Vinh dự hơn, năm 1969 cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã về xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) thăm những đồi luồng của nhân dân địa phương. Thực hiện lời căn dặn của cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, bà con miền núi đã tích cực trồng luồng. Thời kỳ này, phong trào “nhà nhà trồng luồng, người người trồng luồng” phát triển rộng khắp trên địa bàn các huyện miền núi. Tôi cũng đã từng nghe có cả hội thi xem cây luồng của huyện nào đẹp, thân to và dài nữa đấy! Hay như ở huyện Lang Chánh, mỗi khi kể chuyện về rừng luồng bà con các dân tộc nơi đây vẫn nhắc lại câu ca “Cao như đỉnh núi Pù Luông/Ðẹp như thế đứng cây luồng Châu Lang”. Khi đó, do được người dân quan tâm chăm sóc nên rừng luồng được nâng lên cả về chất và lượng. Nếu như năm 1972, tỉnh ta mới có 11.795 ha luồng thì đến cuối năm 2000 đã tăng lên lên hơn 50.000 ha. Tỷ lệ luồng loại 1, loại 2 chiếm phần lớn diện tích luồng của địa phương. Cây luồng lúc bấy giờ, thực sự đã trở thành “cây xóa đói giảm nghèo” của đồng bào các dân tộc miền núi xứ Thanh.

Cuối những năm 90 trở lại đây, trước sức ép cuộc sống ngày càng cao, người dân không còn lựa chọn nào khác, buộc phải khai thác rừng luồng để “lấy kế sinh nhai” dẫn đến rừng luồng giảm về chất lượng. Đặc biệt, suốt thời gian dài lạm dụng khai thác cả cây non và trong mùa măng, cùng với việc không được chăm sóc, đất thoái hóa bạc màu đã làm nhiều diện tích rừng luồng rơi vào tình trạng bị suy thoái nghiêm trọng. Theo khảo sát của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, tỷ lệ luồng loại 1, loại 2 ở tất cả các huyện đều rất thấp, phổ biến nhất là luồng loại 3, 4 và luồng còi cọc. Năng suất, chất lượng rừng luồng giảm sút, dẫn đến thu nhập của người dân cũng bị ảnh hưởng, 1 ha suy thoái chỉ đạt từ 2,5 đến 4 triệu đồng/năm, luồng trung bình từ 6 đến 9 triệu đồng /ha/năm. Sau khi thực hiện giao đất lâm nghiệp cho các thành phần quản lý theo Nghị định 02 và 163/CP của Chính phủ càng tạo thêm động lực thúc đẩy phong trào bảo vệ và phát triển rừng luồng. Gần đây, Nhà nước quan tâm đầu tư thông qua các chương trình trồng rừng như: chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, trồng rừng 147, khuyến lâm, rừng luồng của tỉnh không ngừng tăng nhanh qua mỗi năm. Tuy nhiên, chất lượng rừng luồng vẫn không bằng giai đoạn những năm 70.

Trước thực trạng rừng luồng suy thoái, năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 502/QĐ-UBND phê duyệt “Quy hoạch vùng thâm canh luồng tập trung”, nhằm mang lại những giá trị mới cho cây luồng, như: Hình thành vùng luồng kinh doanh theo hướng tập trung, bền vững, góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu từ trồng luồng. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân trong việc thâm canh rừng luồng còn hạn chế. Trong khi, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nên việc quy hoạch vùng thâm canh luồng tập trung hầu như chưa được triển khai thực hiện. Mặt khác, chính sách cho công tác phục tráng rừng luồng chưa rõ ràng, tất cả chỉ dừng lại ở những mô hình nhỏ lẻ được làm thí điểm, bằng nguồn vốn lồng ghép của các chương trình, dự án. Những nguyên nhân trên dẫn đến năng suất, chất lượng rừng luồng vẫn tiếp tục suy giảm nghiêm trọng.

Nhằm dựng lại “thế đứng” cho cây luồng xứ Thanh, tháng 4-2015 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Trên tinh thần của Nghị quyết số 16, UBND tỉnh có Quyết định số 5643/QĐ-UBND về cơ chế chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, phát triển vùng luồng thâm canh tỉnh Thanh Hóa là một trong những nội dung quan trọng của tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Với mục tiêu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 29.982 ha rừng luồng thâm canh tập trung ở 7 huyện gồm: Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân. Đây được xem là hướng đi phù hợp của tỉnh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng luồng theo hướng bền vững và phù hợp với nguyện vọng của người dân trồng luồng.

Đang mải mê câu chuyện về cây luồng, tình cờ chúng tôi gặp ông Phạm Bá Ngọc, chủ rừng luồng ở thôn Ngán Sen. Rất thật lòng, ông Ngọc, chia sẻ: “Rừng luồng được gia đình ông trồng từ những năm 70 của thế kỷ XX, với hơn 1 ha. Xưa nay, gia đình tôi không chăm sóc gì cả, mỗi khi nhà có công việc lại vào rừng chặt luồng để bán lấy tiền dẫn đến luồng còi cọc”. Giống nhiều hộ dân trồng luồng khác trong xã Điền Trung, từ nguồn hỗ trợ phân bón của chính sách phục tráng thâm canh vùng luồng tập trung của tỉnh, ông Ngọc bắt tay vào chăm sóc, phục tráng diện tích luồng của gia đình. Nhìn về phía những cây luồng to đang còn phấn trắng, ông Ngọc hồ hởi nói: “Sau hơn 2 năm chăm sóc, tôi thấy cây măng mọc to, đều. Đặc biệt, với việc sinh măng sớm, nhiều cây luồng đã tránh được lứa sâu hay gây ra hiện tượng măng cụt. Người dân chúng tôi rất vui khi được thụ hưởng chương trình của tỉnh”.

Thực tế, công tác phục tráng, thâm canh rừng luồng tập trung đang đi những bước đầu tiên tương đối khả quan và nhận được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân các địa phương. Không chỉ triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ đến các hộ dân trồng luồng, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh còn tổ chức nhiều hội nghị ở các địa phương, nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách của tỉnh đối với cây luồng. Đồng thời, mang đến cho người dân những kiến thức về quy trình chăm sóc, khai thác rừng luồng. Trong 2 năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành địa phương, tỉnh ta đã thực hiện thâm canh, phục tráng được 4.430 ha rừng luồng. Đồng thời, hỗ trợ các huyện nằm trong quy hoạch vùng luồng thâm canh làm mới, nâng cấp 28 km đường lâm sinh. Nhằm tạo đầu ra ổn định cho cây luồng xứ Thanh, tỉnh ta còn đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến tre, luồng ở các địa phương. Trong đó, phải kể đến dự án ứng dụng công nghệ cao sản xuất tre ép công nghiệp tại xã Thiết Ống (Bá Thước) của Công ty CP Mía đường Lam Sơn; Công viên sinh thái tre, luồng Tam Thanh tại các xã Xuân Bái, Thọ Xương, Xuân Phú (Thọ Xuân) và xã Thọ Thanh (Thường Xuân).

Rời những cánh rừng luồng khi bóng chiều đã đổ, chúng tôi mang theo niềm tin, với chính sách hỗ trợ của tỉnh, cây luồng xứ Thanh sẽ trở lại thời kỳ “hoàng kim”. Đây là những “chiếc phao” hứa hẹn vực dậy ngành tre luồng xứ Thanh không chỉ tạo ra nguồn thu nhập lớn cho đồng bào các dân tộc khu vực miền núi mà các sản phẩm từ cây luồng sẽ có mặt ở các nước trên thế giới.

.Trần Thanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n178399/phat-trien-rung-luong-tham-canh