Phát triển rừng chè trăm tuổi trên dãy Cà Đam gắn với du lịch

Rừng chè cổ thụ trên dãy Cà Đam, thuộc thôn Trà Vân xã Trà Nham (Tây Trà cũ) nay là xã Hương Trà (Trà Bồng) sẽ được đầu tư phát triển gắn với du lịch trải nghiệm.

Giữa đại ngàn cao 1.200 m của dãy Cà Đam hùng vĩ, ít ai biết rằng, có rừng chè cổ thụ rộng đến 110 ha mà người Cor ở thôn Trà Vân, xã Hương Trà giữ như “kho báu”. Bởi rừng chè trăm tuổi ấy thơm ngon, hảo hạng khó có loại chè nào sánh bằng.

“Kho báu” giữa đại ngàn

Theo chân anh Hồ Văn Hùng, Bí thư Chi bộ thôn Trà Vân, chúng tôi vượt rừng tìm về rừng chè cổ thụ trên dãy Cà Đam. Sau những cơn mưa rừng đồi chè xanh mướt như ngọc.

Những cây chè cổ thụ, nhiều cây trăm tuổi mọc trên núi cao, hội tụ tinh hoa của đất trời đang vào mùa cho quả. Tận tay sờ vào những gốc chè một người ôm không xuể mới dám tin vào mắt mình.

“Cây chè ấy gọi là "cụ chè", ước đến 100 tuổi. Ông mình nói từ thuở nhỏ đã có những cây này. Chè ở đây là loại chè cọng, không phải chè búp, thơm ngon tuyệt vời”- anh Hùng chia sẻ.

Rừng chè cổ thụ trên dãy Cà Đam, thuộc thôn Trà Vân, xã Hương Trà (Trà Bồng).

Nhìn rừng chè mơn mởn, tôi hái mấy lá chè cho vào miệng nhai, cảm nhận hương thơm, vị ngọt đặc biệt. Và không quên hỏi mua một bó chè to mang về xuôi thưởng thức.

Rừng chè ở dãy Cà Đam mọc tự nhiên từ trăm năm qua. Rừng chè sinh sôi nảy nở từ trái của cây cổ thụ rụng xuống nảy mầm thành nhiều cây con dưới gốc. Người dân bứng cây con trồng nhân ra khắp rừng.

Đến nay, rừng chè này rộng đến 110 ha, với hơn 250 hộ dân, gần 1.000 nhân khẩu được hưởng lợi. Cây chè trồng đến 3 năm là có thể thu hoạch và là cây có tuổi đời thu hoạch lên đến 100 năm.

Theo anh Hùng, rừng chè là “kho báu” của người Cor vì thu hoạch mãi không hết. Một gia đình hái được 5-6 bó/ngày, mỗi bó khoảng 8 kg, bán được 30.000 đồng. Đều đặn mỗi tháng một gia đình kiếm được 4-6 triệu đồng. Chè Cà Đam ở thôn Trà Vân được người tiêu dùng ưa chuộng vì có hương vị rất riêng mà không bất kỳ nơi nào có được.

Chè nơi đây được người dân xem là "kho báu" giữa đại ngàn.

Rót ly nước chè màu vàng óng như mật ong tỏa hương thơm ngát mời khách, ông Hồ Văn Ri, một người dân ở thôn Trà Vân thỏ thẻ: “Chè ở thôn Trà Vân ngon nhất trong các loại chè, vị ngọt dịu. Đặc biệt, vùng đất này chỉ có cây chè sống được, cây keo không sống được. Cây chè này mang trồng chỗ khác thì đắng chát, uống không ngon”.

Gắn với phát triển du lịch

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, ông Đỗ Đình Phương, ở vùng này, cây chè cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác, tuy nhiên, giá trị chưa tương xứng.

Năm 2020 đã có đề tài nghiên cứu khoa học về cây chè trên dãy Cà Đam, ở thôn Trà Vân. Kết quả nghiên cứu cho thấy, do điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng, chè trồng ở thôn Trà Vân có hương vị đặc trưng hơn so với chè trồng ở nơi khác.

Chè Trà Vân có màu sắc, hương vị đặc trưng không nơi nào sánh bằng.

Cây chè nơi đây cũng đã có chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, Công ty CP VIETGAP Đầu tư thương mại đang triển khai lập dự án đầu tư phát triển rừng chè theo hướng chuỗi giá trị sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp hữu cơ.

Đây là tín hiệu vui với người dân nơi đây. Dự án thành công sẽ đưa thương hiệu chè Trà Vân-Cà Đam vươn xa, mở rộng vùng nguyên liệu, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững cho huyện vùng cao Trà Bồng.

Tổng diện tích đầu tư dự án khoảng 120 ha với 3 khu gồm khu nhà xưởng sản xuất, khu du lịch trải nghiệm nông nghiệp hữu cơ và cùng diện tích chè hiện có của người dân. Tổng vốn đầu tư 34 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án sẽ được triển khai trong năm 2021-2022.

“Tỉnh vừa thống nhất thông qua quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Thạch Bích. Và tiếp đến là dự án đầu tư phát triển vùng chè Trà Vân- Cà Đam. Các dự án này sẽ thúc đẩy phát triển du lịch, tạo việc làm ổn định , tăng thu nhập cho người dân”- ông Đỗ Đình Phương cho biết thêm.

Bài, ảnh: A.KIỀU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202104/phat-trien-rung-che-tram-tuoi-tren-day-ca-dam-gan-voi-du-lich-3053364/