Phát triển phải hướng tới người dân là trọng tâm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Các định hướng phát triển phải hướng tới người dân là trọng tâm; quan tâm tới đời sống, hạnh phúc của người dân, các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững...

Ngày 31/8/2020, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021, giai đoạn 2021-2025 vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để nhận thức đúng đắn được vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế và các hạn chế, thách thức của 2 vùng, đặc biệt là đặt trong bối cảnh hiện nay và bối cảnh của 5 năm tới là hết sức quan trọng. Theo đó, đề nghị hội nghị tập trung đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư 7 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2020; nêu bật được các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến từng lĩnh vực của ngành kế hoạch và đầu tư như: quy hoạch, đầu tư công, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, ODA, hợp tác xã, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp...

Hội nghị cũng thống nhất cao việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 phải bảo đảm sự nhất quán, kết nối, kế thừa và phát huy các thành tựu đạt được của giai đoạn 2016-2020; đồng thời tiếp tục đổi mới mạnh mẽ với tư duy, tầm nhìn chiến lược để đề ra chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp phát triển KT-XH 2021-2025 phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo sự phát triển bứt phá, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người. Các định hướng phát triển phải hướng tới người dân là trọng tâm, quan tâm tới đời sống, hạnh phúc của người dân, các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững; đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhằm thu hẹp chênh lệch phát triển vùng, miền.

Riêng với vùng Đông Nam Bộ còn cần đặc biệt ưu tiên phải huy động nguồn lực để đầu tư các công trình cảng biển, sân bay, đường kết nối cảng... phân bổ nguồn hàng hợp lý để sử dụng hiệu quả các cảng biển trong Vùng trong đó có cảng Cát Lái và cảng Cái Mép-Thị Vải.

Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cần tập trung đầu tư giải quyết các điểm nghẽn là giao thông, các hồ chứa nước, trữ nước, khắc phục sạt lở bờ sông bờ biển.

Phát triển hành lang giao thông thành các hàng lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất mới để xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, các khu công nghiệp, các khu dân cư xung quanh tạo thành một động lực phát triển mới.

Có thể nói, công tác lập kế hoạch đến nay đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đổi mới khá toàn diện. Trước đây, vào thời điểm này hằng năm, các địa phương sẽ tới Bộ để báo cáo về tình hình phát triển - kinh tế xã hội năm, chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm sau. Tuy nhiên, từ năm 2017, thấy cách làm kế hoạch cũ không còn phù hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị thay đổi, thay vì họp và làm kế hoạch với từng địa phương, thì sẽ làm theo quy mô từng vùng...

Lê Anh

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/phat-trien-phai-huong-toi-nguoi-dan-la-trong-tam-562657.html