Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn còn bất cập

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua, nhiều đại biểu đã nêu ra những bất cập trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng…, rất mong Chính phủ hành động mạnh mẽ hơn để khắc phục.

Phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn hiện còn nhiều bất cập.

Phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn hiện còn nhiều bất cập.

Phải thực hiện tốt cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng, để nông nghiệp phát triển bền vững, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện tốt cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhằm tạo bước đột phá cho phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế.

Cần phải xây dựng, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu phù hợp với điều kiện địa phương, sản phẩm, ngành nghề, ngành hàng và nhu cầu thị trường, đồng thời với XDNTM.

“Bước đầu chúng ta đánh giá được những kết quả tích cực khi về đích nông thôn mới sớm hơn mục tiêu đề ra. Song theo tôi, thời gian qua mới tập trung vào xây dựng các thiết chế và hạ tầng kinh tế - xã hội, chưa thực sự làm chuyển biến nâng cao hiệu quả trong sản xuất, còn hạn chế về vấn đề bảo vệ môi trường và tăng thu nhập của người dân. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ phải tiếp tục có giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn để đầu tư nguồn lực thỏa đáng, để tiếp tục xác định mục tiêu quốc gia trong nhiệm kỳ tới”, đại biểu Tuân đề nghị.

XDNTM cần riêng trong chung

Theo đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông), Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chương trình này có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục ở khu vực nông thôn Việt Nam. Sau 10 năm tổ chức triển khai thực hiện, được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nên chương trình đã đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị. Cơ sở hạ tầng được ưu tiên đầu tư xây dựng, bước đầu đã làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn.

Đến nay, có khoảng 52,5% số xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn NTM, nhiều xã đã và đang thực hiện theo hướng nâng cao kiểu mẫu. Tuy nhiên, do đặc điểm nông thôn Việt Nam rất đa dạng về địa hình, thành phần dân tộc, văn hóa, phong tục, tập quán,… nên số xã chưa đạt chuẩn còn khá nhiều, chiếm khoảng 47,5%, nhiều xã trong số này là xã khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Để tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 nói riêng, Chính phủ cần sớm ban hành khung pháp lý thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM giai đoạn 2021-2025 để các địa phương sớm có căn cứ tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả.

Xem xét ban hành bộ tiêu chí XDNTM giai đoạn sau năm 2020 theo hướng đưa ra các chỉ tiêu, định hướng chung còn việc ban hành tiêu chí cụ thể nên giao cho các địa phương nghiên cứu, ban hành cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của địa phương, để nêu cao tinh thần sáng tạo và cách làm phù hợp với từng vùng miền, từng tỉnh cụ thể mà vẫn đảm bảo được chất lượng NTM.

Thêm nữa, tích hợp toàn diện các nội dung tại các chương trình, dự án riêng vào Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM và thiết lập cơ chế quản lý, điều phối, hỗ trợ, khuyến khích, phát huy vai trò chủ thể của người dân, thật sự trao quyền làm chủ cho nhân dân, nơi nào làm tốt, nơi nào tạo được phong trào thi đua sâu rộng thì nơi đó được nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách tăng dần theo hằng năm để làm đầu kéo cho các địa phương khác cùng theo.

Quan điểm của đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) thì cho rằng, XDNTM cần nâng cao theo hướng văn minh, hiện đại, chú trọng vào việc đổi mới phương thức sản xuất, giải quyết tốt môi trường trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt. Quan tâm đào tạo nghề, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn, giải quyết làm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phân tích, cả nước chia thành 7 vùng kinh tế nông nghiệp thì Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đồng bằng châu thổ lớn nhất với 4 triệu hecta đất tự nhiên, 28.000km sông rạch, 3 mặt giáp biển, dân số 18.000.000 người, là vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp chiếm 50%, sản lượng lúa 70%, lượng trái cây 52%, lượng thủy sản lớn nhất nước, đóng góp 90% lượng xuất khẩu, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Tuy nhiên, đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào ở đây rất thấp so với cả nước.

“Nguyên nhân là do kết cấu hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh và chúng ta không thể cứ mãi duy trì những cái nhất rất mâu thuẫn và nghịch lý ở ĐBSCL, vựa lúa lớn nhất, thủy sản nhiều nhất, trái cây phong phú nhất… nhưng đồng thời cơ sở hạ tầng kém nhất, nhà ở tệ nhất. Bên cạnh đó, nguy cơ trước mắt của ĐBSCL là vấn đề biến đổi khí hậu, sông Cửu Long cạn nguồn, đó là báo động cấp bách và có thực”, đại biểu Bình nhấn mạnh.

Do đó, cấp thiết phải quy hoạch tổng thể cho toàn vùng ĐBSCL bước vào thời kỳ hậu WTO và sớm hình thành một Ban Chỉ đạo thống nhất đặc trách phát triển cấp nhà nước cao nhất. Có như vậy thì ĐBSCL mới mong đối đầu được với khủng hoảng môi trường trước mắt cũng như vực dậy vựa lương thực, thực phẩm lớn nhất của đất nước.

Loay hoay tìm kiếm công nghệ xử lý rác

Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cho biết, qua thực hiện cuộc vận động Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh và 4 năm phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, chúng ta đã đạt những kết quả bước đầu rất quan trọng trên nhiều phương diện, làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, thói quen của nhiều người, tạo nên cảnh quan nhiều khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong 19 tiêu chí thì tiêu chí về môi trường là hết sức khó khăn. Dù thời gian qua, các cấp, ngành đã có chỉ đạo nhưng chậm được khắc phục, như phân loại rác thải, chất thải rắn tại nguồn cũng như chưa có hệ thống thu gom, xử lý rác đã được phân loại tại nguồn thích hợp, nhiều nơi chính chỗ tập kết rác lại là nơi gây ô nhiễm. Công tác xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa cao. Tổ chức việc thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác chưa đồng bộ. Nhiều nơi đã phân loại từ hộ nhưng mà khi vận chuyển, xử lý lại đổ chung, đây là khó khăn lớn trong công tác tuyên truyền, vận động.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường tuy đã được tăng cường chỉ đạo quyết liệt nhưng một số nơi vẫn chưa xử lý dứt điểm và cũng còn những vi phạm chưa được phát hiện. Việc kiểm soát nước thải tại nhiều đô thị chưa tốt.

Hiện, mới có 12,5% lượng nước thải đô thị loại 4 được xử lý và 46,5% địa phương có đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại đô thị, tỷ lệ xả thải trực tiếp thì còn rất cao cao và ô nhiễm nguồn nước, không khí, an toàn thực phẩm vẫn là điều rất đáng lo ngại.

Do đó, Chính phủ cần phải chỉ đạo tổng kết thực hiện các Nghị quyết của Đảng về bảo vệ môi trường và tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2020. Trong năm 2020, bổ sung các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn mới, nhất là các giải pháp về GDP xanh, vật liệu thay thế tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa.

Đại biểu Nguyễn Thanh Quang (TP. Đà Nẵng) băn khoăn: “Báo cáo của Chính phủ có nêu tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, song nếu như trước đây ô nhiễm là nhỏ lẻ, cục bộ thì nay trở thành diện rộng và trở nên nghiêm trọng.

Tất cả các vấn đề liên quan đến rác, chất thải rắn, chất thải nhựa, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, trước mắt là vấn đề đời sống xã hội nhưng sớm muộn cũng sẽ trở thành vấn đề an ninh trật tự hay nghiêm trọng hơn là vấn đề chính trị ở nhiều địa phương, không chỉ ở những thành thị lớn mà ngay cả vùng nông thôn, miền núi.

Đơn cử như vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, trong lúc nhiều lĩnh vực, nhiều ngành ngày càng tiệm cận đến văn minh, khoa học tiên tiến của thế giới, chúng ta nói nhiều đến công nghệ 4.0 nhưng nhiều địa phương vẫn loay hoay tìm kiếm công nghệ chôn lấp, đốt rác”.

Dương Thanh

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/phat-trien-nong-nghiep-xay-dung-nong-thon-con-bat-cap-post32254.html