Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững: Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất

Theo xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất là điều tất yếu. Đó là yêu cầu sống còn, được coi là 'thước đo' phát triển của nền nông nghiệp một địa phương hay đất nước. Tại Thanh Hóa những năm gần đây, yếu tố KHKT đang được chú trọng, đã và đang đi vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế và tạo sự lan tỏa.

Nhân cấy thành công phôi nấm đông trùng hạ thảo tại doanh nghiệp tư nhân ở thị trấn Nga Sơn. Ảnh: Lê Đồng

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các kỳ gần đây cũng như nhiều văn bản, các chỉ đạo, các chương trình phát triển nông nghiệp của tỉnh được ban hành, đều đề cập đến việc áp dụng KHKT, khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã xác định khoa học - công nghệ là động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Đơn vị chủ lực của tỉnh trong nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hiện nay là Viện Nông nghiệp Thanh Hóa. Theo thống kê từ đơn vị này, chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, viện đã tổ chức thành công 2 nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp bộ; ngoài ra, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện 3 nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp tỉnh năm 2020 và 4 nhiệm vụ năm 2021.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của viện, tất cả các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp tỉnh nhà đều có công trình nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Trong trồng trọt, đơn vị đã chọn tạo được 2 dòng lúa mới đặt tên là Sao Vàng và Việt Thanh 30 với nhiều triển vọng. 3 giống cà chua và 3 giống dưa leo mới cũng được đơn vị khảo nghiệm, tuyển chọn thành công. Cùng thời gian trên, viện cũng xây dựng được mô hình sản xuất giống mới bí đỏ Golstar 888, các mô hình trồng hoa với 8 giống hoa triển vọng, trồng thử nghiệm 0,5 ha cây ăn quả áp dụng kỹ thuật trong canh tác... Ở các vụ xuân và vụ mùa gần đây, đơn vị cũng tiến hành khảo nghiệm vùng sinh thái cho các giống lúa mới để có cơ sở tuyển chọn giống phù hợp cho các vùng trong tỉnh. Thành công trong nghiên cứu, chọn tạo giống lúa đã giúp nền nông nghiệp tỉnh nhà chủ động được nguồn giống bố mẹ để sản xuất hạt giống lúa lai F1 cho tỉnh, sản xuất được từ 500 đến 1.000 tấn giống lúa thuần mỗi năm.

Nét mới trong hoạt động KHKT của Viện Nông ngiệp Thanh Hóa là đầu tư nghiên cứu lĩnh vực công nghệ sinh học và áp dụng vào thực tiễn. Hơn 2 năm qua, đơn vị đã triển khai thành công các công trình nuôi cấy mô trong sản xuất nấm sò, mộc nhĩ, nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo, nhân giống lan kim tuyến... Hiện viện đang lưu giữ 10.800 bình phôi giống các loại, 1.210 ống nghiệm các giống nấm, 42 cây bưởi Luận Văn đầu dòng trong hệ thống nhà lưới... Riêng thành công về hoạt động nhân nuôi đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa chính là một trong những đơn vị thành công tại Việt Nam trong nhân nuôi giống nấm giá trị kinh tế cao này. Không những nghiên cứu và ứng dụng, viện còn chuyển giao kỹ thuật nhân nuôi để phát triển ra các mô hình trong tỉnh hiện nay. Những “nhãn hiệu” đông trùng hạ thảo đã thành công, được công nhận sản phẩm OCOP, như: Lạch Trường (Hoằng Hóa), Đăng Khoa (Nga Sơn) đều ít nhiều có sự “nhân bản” và chuyển giao công nghệ từ mô hình tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.

Không chỉ ở cấp tỉnh, nhiều địa phương cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp. Nga Sơn là huyện đáng ghi nhận trong áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Điển hình như hơn 5 năm qua, huyện đã có chính sách hỗ trợ phát triển nhà màng, nhà lưới trong trồng trọt nhằm đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào canh tác. Về một số điểm nhấn, ông Lê Văn Dậu, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, cho biết: Huyện đang tập trung chỉ đạo và hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Gần đây, huyện đã quy hoạch thành vùng, chuyển giao kỹ thuật để hình thành 70 ha vùng lúa chuyên gieo xạ bằng máy móc nhưng bỏ qua khâu cấy để giảm chi phí tại các xã Nga Điền và Nga Vịnh. Huyện còn có chính sách hỗ trợ xây dựng nhà lưới trồng trọt và nuôi thủy sản; đến nay đã phát triển được gần 140.000m2 nhà màng, nhà lưới. Địa phương cũng mới ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn, giai đoạn 2021–2025 để triển khai thực hiện.

Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giai đoạn từ năm 2016–2020, Thanh Hóa đã nghiên cứu, chọn tạo thành công 8 giống lúa, 2 giống mía mới bổ sung vào cơ cấu giống lúa chủ lực, đã chủ động được nguồn giống và góp phần nâng cao chất lượng bộ giống lúa, giống mía của tỉnh. Các đơn vị trong tỉnh cũng du nhập tuyển chọn được hàng chục giống ngô, đậu, hoa, rau, cây ăn quả mới để bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh. Nhiều loại cây trồng đặc sản bản địa như lúa nếp hạt cau, bưởi Luận Văn, cam Vân Du... được phục tráng thành công, phát triển thành các vùng canh tác rộng lớn. Diện tích và công nghệ sản xuất nhà kính, nhà màng cho sản xuất rau, quả an toàn... đang có bước phát triển mạnh cả về chất lẫn lượng; ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống hoa đồng tiền, hoa lan.

Trong chăn nuôi, Thanh Hóa cũng tạo được những đột phá trong ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân giới tính cho bò sữa, thụ tinh nhân tạo nâng cao tầm vóc đàn bò thịt, cấy truyền phôi nâng cao khả năng chống bệnh cho bò, nhân nhanh giống tốt, sản xuất tinh trâu cọng rạ nâng cao tầm vóc đàn trâu. Nhiều đơn vị đã đưa các giống vật nuôi mới vào sản xuất, xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, áp dụng hệ thống chuồng kín, nuôi sàn, điều hòa ẩm độ và nhiệt độ, xử lý chất thải và kiểm soát dịch bệnh theo hướng an toàn dịch bệnh. Ngành thủy sản đã nhân giống thành công và đưa vào sản xuất một số loài có giá trị kinh tế cao, như: tôm sú, cua xanh, ngao Bến Tre, cá lăng chấm, cá dốc, cá bống bớp, hàu Thái Bình Dương... Các trung tâm và cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng được 15% nhu cầu giống tôm sú, 30% giống cá rô phi, 50% giống cua, ngao, cá bống bớp. Gần đây, ngành nông nghiệp và các địa phương còn xây dựng được nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản, điển hình như nuôi tôm hùm và cá giò ở khu vực biển Hòn Mê; mô hình nuôi tôm chân trắng công nghiệp theo hướng công nghệ cao tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa...

Tuy nhiên, theo những đúc kết từ Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, hiện hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi còn chưa được quan tâm đúng mức. Sản phẩm được sản xuất áp dụng khoa học - công nghệ cao vẫn còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng của nông nghiệp tỉnh nhà. Hiện nay, cán bộ làm công tác khoa học trong nông nghiệp còn thiếu và yếu, các cơ quan chuyên môn cũng chưa thu hút được nhiều những người có chuyên môn sâu, có trình độ ngoại ngữ giỏi để tiếp nhận những kiến thức mới của thế giới. Khắc phục được những hạn chế trên; đồng thời, tỉnh phải có nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ phát triển, ứng dụng KHKT thì nông nghiệp tỉnh nhà mới thực sự phát triển nhanh, bền vững, hiện đại.

Nhóm PV Phòng Kinh tế

Bài 11: Xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/phat-trien-nong-nghiep-va-xay-dung-nong-thon-moi-ben-vung-nbsp-nghien-cuu-chuyen-giao-va-ung-dung-khoa-hoc--ky-thuat-vao-san-xuat/138324.htm