Phát triển nông nghiệp toàn diện, đa sản phẩm

Với sự đa dạng về địa hình, khí hậu, tỉnh Thanh Hóa hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp toàn diện: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Không chỉ phục vụ nhu cầu thị trường trong nước, trong tỉnh, cơ cấu đa dạng của các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thanh đã có cơ hội vươn xa ra thị trường thế giới.

Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững

Trồng dưa lưới Taki trong nhà kính tại Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương). Ảnh: Minh Hằng

Trồng trọt được xác định là nền tảng của sản xuất nông nghiệp; đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã phát triển được 158.000 ha lúa thâm canh, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; 12.560 ha rau an toàn tập trung, trong đó, diện tích gieo trồng áp dụng quy trình VietGAP là 4.000 ha; 3.000 ha trồng hoa thâm canh, 20.000 ha ngô thâm canh, 7.000 ha cây ăn quả tập trung, 12.700 ha cây thức ăn chăn nuôi. Cũng từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt hơn 45.000 ha đất lúa và các cây trồng năng suất thấp, kém hiệu quả sang các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh hiện có 70.200 con bò thịt chất lượng cao, 550.000 con lợn hướng nạc tại 40 trang trại, 8 triệu con gà lông màu, 15.000 con bò sữa. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa còn có nhiều loại con nuôi đặc sản, như: lợn sữa, gà ri, gà mía, lợn mán, lợn cỏ, lợn rừng...; phát triển được 500 ha tôm thẻ chân trắng, 1.250 ha ngao, 169 ha cá rô phi đơn tính tập trung thâm canh xuất khẩu, với sản lượng 3.380 tấn, 56.000 ha rừng gỗ lớn, 30.000 ha luồng, 1.000 ha quế và khai thác có hiệu quả, bền vững 94.550 ha các loại cây dược liệu dưới tán rừng.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2015 đến nay, là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong đó, điểm mấu chốt đánh dấu sự phát triển của các lĩnh vực nông nghiệp là sản xuất theo chuỗi liên kết ngày càng rõ nét và bền vững, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất. Đã có các sản phẩm liên kết, khẳng định hướng đi vững chắc cho một nền nông nghiệp xanh, chất lượng cao, giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm, yên tâm sản xuất.

Điển hình như trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh đã có 67.761 ha liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, với các cây trồng chính như: mía, cao su, gai xanh, lúa giống, lúa thương phẩm, lúa hữu cơ, ngô dày, khoai tây, ớt, ngô ngọt và các loại rau, quả thực phẩm... Trong chăn nuôi, đã hình thành và ổn định các chuỗi giá trị, như: Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty Sữa TH True Milk, Công ty CP Nông sản Phú Gia - VietAVIS; các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm của Công ty TNHH Hiền Nhuần; liên kết thu mua, giết mổ, chế biến lợn sữa xuất khẩu của Công ty TNHH Hoa Mai và Công ty Chế biến súc sản Thanh Hóa; chuỗi liên kết gia công của Công ty CP Dabaco, Japfa,...

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã hình thành liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Một số chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp hiệu quả, như: Công ty TNHH Gỗ Xuân Sơn với nhóm hộ huyện Thạch Thành (1990 hộ/3.354,92 ha rừng gỗ), Công ty CP Ngọc Sơn với nhóm hộ huyện Quan Sơn (69 hộ/3.045 ha rừng luồng, vầu), Công ty CP BWG Mai Châu với nhóm hộ huyện Quan Hóa (545 hộ/2.369,6 ha rừng luồng). Trong thủy sản, mô hình tổ đoàn kết đã phát huy tác dụng đối với khai thác vùng biển khơi và mô hình đồng quản lý đối với vùng biển ven bờ. Toàn tỉnh có 389 tổ đoàn kết trên biển, với 1.975 tàu cá; thành lập 2 HTX và 10 tổ cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và Quảng Xương.

Tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh như Thọ Xuân, Yên Định, Triệu Sơn, Hoằng Hóa... đường hướng, chính sách phát triển nông nghiệp toàn diện đã được các địa phương hoạch định và xây dựng những chính sách khuyến khích cụ thể. Tại huyện Thọ Xuân, từ năm 2016, UBND huyện Thọ Xuân cũng triển khai kế hoạch về thực hiện khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao và nâng cao giá trị sản xuất. Cùng với việc triển khai thực hiện Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển đa dạng. Trình độ thâm canh trong các lĩnh vực được nâng lên. Đến nay, trên cả 3 lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn đều được đẩy mạnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đưa tốc độ giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tăng trưởng ổn định. Giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác năm 2020 đạt hơn 100 triệu đồng. Đến nay, toàn huyện có 94 trang trại được cấp giấy chứng nhận theo Thông tư 02 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chất lượng các sản phẩm trong ngành chăn nuôi cũng được nâng lên, với tỷ trọng đàn bò lai, đàn lợn hướng nạc, đàn gia cầm tăng.

Tại huyện Quảng Xương, cơ cấu sản xuất nông nghiệp được định hướng và phát triển dựa trên lĩnh vực sản xuất tiềm năng và chương trình tái cơ cấu nông nghiệp. Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ngành nông, lâm, thủy sản đạt 3%/năm; năng suất, chất lượng và giá cả nhiều loại sản phẩm đã được nâng cao. Ngành chăn nuôi đã chuyển từ hình thức chăn nuôi nhỏ, lẻ, phân tán sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại. Giá các sản phẩm chăn nuôi ổn định, bảo đảm thu nhập cho người chăn nuôi. Ngành thủy sản đã chuyển dịch cơ cấu giữa khai thác với nuôi trồng. Ông Lê Đại Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Quảng Xương, cho biết: Huyện đã xác định các sản phẩm chủ lực trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, tập trung chỉ đạo việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực giống cây trồng chất lượng cao, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trình diễn các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học... để tạo ra các sản phẩm năng suất, chất lượng, có hàm lượng chất xám cao. Đồng thời, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi trên cơ sở khống chế các dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Từ năm 2020 đến nay, địa phương cũng chuyển dần phương thức chăn nuôi nông hộ và gia đình sang phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và trang trại để có điều kiện ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh phát triển tổng đàn gia cầm và chăn nuôi theo hướng bền vững, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn sinh học. Tập trung vào các lĩnh vực chọn tạo và lai tạo giống chất lượng cao; trình diễn phương thức chăn nuôi tiên tiến như nuôi bò BBB chuyên thịt chất lượng cao, bò lai Zêbu, lợn thịt siêu nạc, nuôi vịt siêu thịt và siêu trứng, nuôi gà thịt và gà đẻ trứng theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các mô hình chăn nuôi công nghiệp khép kín gắn liền với công nghiệp chế biến.

Tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp toàn diện là phương án tối ưu nhằm khai thác lợi thế về vùng miền, thổ nhưỡng, địa hình, ngành nông nghiệp đã định hướng một số mục tiêu cho các sản phẩm chủ lực thuộc các lĩnh vực sản xuất đến năm 2025. Theo đó, toàn tỉnh duy trì ổn định diện tích gieo trồng từ 395.000 - 400.000 ha. Trong đó, diện tích lúa được duy trì khoảng 216.000 ha, sản lượng đạt 1,3 triệu tấn với 150.000 ha vùng sản xuất lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tập trung ở các huyện: Nông Cống, Triệu Sơn, Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Hà Trung; 70% diện tích sản xuất lúa gạo được liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ...

Với sản xuất rau quả, tổng diện tích rau quả các loại đạt 55.000 ha/năm, sản lượng 715.000 tấn. Trong đó, vùng sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh đạt 14.300 ha, tập trung tại các địa phương: Thọ Xuân, Yên Định, Hậu Lộc, Nga Sơn, Vĩnh Lộc... Toàn tỉnh cũng sẽ phát triển 30.500 ha các loại cây ăn quả. Trong đó, vùng chuyên canh cây ăn quả đạt 18.000 ha, tập trung trên địa bàn các huyện: Yên Định, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân. Duy trì diện tích mía đường 18.000 ha, 20.000 ha cây thức ăn chăn nuôi, 40.000 ha cây ngô, 6.000 ha cây gai xanh. Ngoài các sản phẩm chủ lực, tỉnh Thanh Hóa cũng định hướng phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh phục vụ nguyên liệu cho chế biến, như: 11.000 ha vùng nguyên liệu sắn, 3.200 ha cói, 10.000 ha cao su, 500 ha hoa thâm canh công nghệ cao.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp, phấn đấu có một số sản phẩm đứng đầu cả nước. Duy trì đàn bò thịt 200.000 con, trong đó đàn bò thịt chất lượng cao 75.000 con và phấn đấu 60% tổng đàn bò chất lượng cao được liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, duy trì đàn bò sữa 50.000 con thông qua liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ với Công ty TNHH MTV Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa. Phát triển tổng đàn lợn 2 triệu con, trong đó có 1,2 triệu lợn hướng nạc và có 70% tổng đàn lợn thịt chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn công nghệ cao và liên kết tiêu thụ và 26 triệu con gia cầm.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, sẽ rà soát, cơ cấu lại 3 loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, khuyến khích các cơ sở chế biến tham gia liên kết phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao, mục tiêu duy trì và phát triển ổn định 125.000 ha rừng trồng gỗ lớn; 128.000 ha tre, luồng. Trong lĩnh vực thủy sản, đưa diện tích nuôi tôm lên 4.100 ha, với sản lượng 10.700 tấn tại các huyện ven biển: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, thị xã Nghi Sơn, TP Sầm Sơn; 1.200 ha ngao nuôi, hướng tới 100% diện tích này được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tuy vẫn còn tồn tại những nhược điểm cố hữu của ngành nông nghiệp, như: Việc cơ cấu các sản phẩm trong ngành nông nghiệp còn chậm; chưa có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thế mạnh, sản lượng lớn, có thương hiệu để giới thiệu, quảng bá và cạnh tranh trên thị trường; một số cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp; vấn đề liên kết tiêu thụ còn lỏng lẻo nên giá trị gia tăng chưa cao. Tuy nhiên, sự phát triển đa dạng với tốc độ tăng trưởng ổn định của các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã chứng minh cho một nền nông nghiệp đa dạng và có tiềm năng lớn trong kêu gọi, thu hút đầu tư.

Bài 4: Xây dựng nông thôn mới - cách làm sáng tạo.

Nhóm PV Phòng Kinh tế

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-nong-nghiep-toan-dien-da-san-pham/137950.htm