Phát triển nông nghiệp, nhìn từ việc áp dụng cơ giới hóa

Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất là giải pháp giúp giải phóng sức lao động, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, giảm chi phí đầu vào, từ đó tăng hiệu quả kinh tế. Từ những lợi ích của việc áp dụng cơ giới hóa mang lại, nên những năm gần đây ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong tỉnh luôn khuyến khích các HTX, hộ dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất tại xã Khuyến Nông (Triệu Sơn).

Huyện Triệu Sơn xác định việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất là một trong những bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu lao động. Vì vậy, những năm qua, huyện đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, như: Khuyến khích HTX, hộ dân mạnh dạn đầu tư mua các loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất để phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ. Tích cực thực hiện tích tụ đất đai, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay số lượng các loại máy cơ giới hóa áp dụng vào sản xuất liên tục tăng. Hiện, toàn huyện có gần 1.400 máy làm đất, gần 80 máy gặt đập liên hợp, 55 máy cấy lúa và 30 cơ sở sản xuất mạ khay. Theo đó, tỷ lệ cơ giới hóa của khâu làm đất đạt 95%; khâu trồng trọt trên lúa đạt 15% diện tích, tương đương với 1.500 ha/vụ, trên mía đạt 5% diện tích, tương đương với 50 ha/niên vụ; cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, vận chuyển đạt 85%. Việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện đúng khung lịch thời vụ, khắc phục tình trạng thiếu nhân công vào thời điểm chính vụ. Từ đó, người dân đã thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất truyền thống, thủ công chuyển sang hình thức sản xuất tập trung, mẫu lớn, liền vùng, liền thửa, cùng trà, cùng giống.

Không chỉ huyện Triệu Sơn, mà nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp thông qua việc tập trung thực hiện các giải pháp, như: Định hướng, xây dựng vùng sản xuất tập trung và đầu tư xây dựng các công trinh kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích hộ dân, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp tích tụ đất đai, hình thành cánh đồng mẫu lớn để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch, vận chuyển đến khâu bảo quản, sơ chế sản phẩm sau thu hoạch. Thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi vay vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp, chính sách hỗ trợ mua máy cấy, máy thu hoạch lúa, mía cho các hộ dân, doanh nghiệp.

Nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nên số lượng máy và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Hiện, toàn tỉnh có 14.228 máy kéo các loại, 160 máy cấy lúa, 600 máy gặt đập liên hợp, 12.500 mát tuốt, vò lúa, 7 máy thu hoạch mía. Theo đó, tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 91,46%, khâu gieo trồng 9,8%, khâu thu hoạch 57,6%. Trong chăn nuôi, nhiều trang trại, gia trại đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ chuồng nuôi khép kín, sử dụng hệ thống máng ăn, núm uống nước tự động...

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi lên khoảng 10-15%, giảm chi phí sản xuất từ 0,7 đến 2,8 triệu đồng/ha/vụ, giảm tổn thất sau thu hoạch khoảng 5%, tăng thu nhập cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp. Hiện, giá trị sản xuất bình quân của 1 ha sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 80 triệu đồng/vụ, tăng khoảng 15 triệu đồng/ha/vụ so với năm 2015. Kết quả này một phần cũng nhờ vào việc áp dụng các khâu cơ giới hóa trong quá trình sản xuất.

Tiến Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-nong-nghiep-nhin-tu-viec-ap-dung-co-gioi-hoa/99385.htm