Phát triển nông nghiệp hữu cơ

Cùng với hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tỉnh khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh liên kết tiêu thụ. Qua đó, tạo ra nông sản sạch, an toàn, đáp ứng khuynh hướng tiêu dùng thế giới.

Xây dựng chuỗi liên kết

Khi triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh phấn đấu đưa An Giang trở thành một trong những địa phương trọng điểm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến, tiêu thụ. Qua đó, tạo điều kiện phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước, an toàn cho người sử dụng; từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ của tỉnh, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho nông dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu hình thành và phát triển tối thiểu 2 chuỗi sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ nông sản hữu cơ được chứng nhận. Trong đó, sản xuất lúa hữu cơ đạt 0,5-1% tổng diện tích vùng sản xuất lúa 2 vụ/năm; sản xuất rau màu hữu cơ đạt 0,5% tổng diện tích rau màu chuyên canh; sản xuất cây dược liệu hữu cơ đạt 0,5-1% tổng diện tích vùng trồng dược liệu tập trung (khu vực rừng phòng hộ). Đối với vùng sản xuất, tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học đạt tối thiểu 10%; phân bón hữu cơ tối thiểu 5%. Đối với sản phẩm, tỷ lệ sản phẩm yến sào, thốt nốt hữu cơ đạt từ 1-2% trên tổng sản phẩm của toàn tỉnh.

Giai đoạn 2026-2030, tỉnh hình thành mới tối thiểu 4 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hữu cơ được chứng nhận. Trong đó, diện tích sản xuất, nuôi trồng hữu cơ của một số đối tượng (lúa, dược liệu...) đạt tối thiểu 2% tổng diện tích tương ứng cùng đối tượng; diện tích sản xuất rau màu hữu cơ đạt tối thiểu 1% tổng diện tích rau màu chuyên canh.

Đối với vùng sản xuất, tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học đạt tối thiểu 20%; phân bón hữu cơ tối thiểu 10%. Đối với một số sản phẩm hữu cơ (yến sào, thốt nốt...) đạt tỷ lệ tối thiểu 3% trên tổng sản phẩm của toàn tỉnh. Lợi nhuận thu được từ sản xuất, sản phẩm hữu cơ cao hơn so với tập quán thông thường từ 1,5-2 lần.

Đến năm 2025, diện tích gieo trồng lúa hữu cơ phấn đấu đạt 350ha và khoảng 700ha vào năm 2030. Đối với vùng trồng rau, màu hữu cơ, đến năm 2025 đạt diện tích khoảng 30ha và tối thiểu 50ha vào năm 2030. Đối với vùng trồng thốt nốt, đến năm 2025, số lượng cây thốt nốt được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ (đường, rượu, mứt…) đạt từ 200 cây (cây trên 40 năm tuổi) và 500 cây vào năm 2030. Số lượng nhà yến được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt từ 4 nhà vào năm 2025 và 8 nhà vào năm 2030. Đối với vùng trồng cây dược liệu hữu cơ, diện tích gieo trồng đạt khoảng 20ha năm 2025 và khoảng 40ha năm 2030. Các sản phẩm từ các mô hình sản xuất hữu cơ được các DN liên kết tiêu thụ 80% năm 2025 và 100% vào năm 2030.

Hỗ trợ sản xuất

Để quy hoạch các vùng sản xuất hữu cơ bền vững, các ngành chuyên môn tỉnh sẽ tổ chức lấy mẫu phân tích kiểm tra các chỉ tiêu đất, nước… đảm bảo đạt chuẩn, đồng thời tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật (thủy lợi, điện, đường giao thông, các dịch vụ hỗ trợ, hỗ trợ hệ thống nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, năng lượng mặt trời…); khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh thực hiện đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã gắn liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hữu cơ theo chuỗi giá trị với DN, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài nước.

Nhằm động viên, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình hiệu quả, điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về phát triển nông nghiệp hữu cơ để nhân rộng; phát động các phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, hỗ trợ các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tuyên truyền cho người tiêu dùng hiểu biết về sự cần thiết phải sử dụng sản phẩm hữu cơ bằng nhiều hình thức; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các DN, hợp tác xã, tổ hợp tác đưa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích, sàn thương mại điện tử.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh ưu tiên nguồn kinh phí khuyến nông, nghiên cứu khoa học để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông, ưu tiên đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu chọn giống kháng sâu bệnh, chú trọng phục tráng giống địa phương, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có nguồn gốc thảo mộc. Các cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm hữu cơ hoặc vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất hữu cơ được ưu tiên hưởng chính sách khuyến khích đầu tư đối với nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho nông nghiệp hữu cơ phát triển.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-nong-nghiep-huu-co-a337977.html