Phát triển nông nghiệp đa dạng để giảm thiệt hại do hạn, mặn

Hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra khá gay gắt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và dự báo tình trạng này sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của người dân. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT) về những giải pháp ứng phó với hạn, mặn.

 Ông Nguyễn Văn Tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh.

Phóng viên (PV): Thưa ông, ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện nay so với những năm trước có gì khác?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Xâm nhập mặn năm 2019-2020 ở ĐBSCL xuất hiện sớm, vào sâu hơn, khả năng kéo dài hơn so với đợt xâm nhập mặn lịch sử năm 2015-2016. Nhưng nhờ chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp nên thiệt hại giảm nhiều so với những năm trước. Năm nay, xâm nhập mặn làm giảm năng suất khoảng gần 39.000ha lúa (vụ mùa 16.000ha, vụ đông xuân 23.000ha), chỉ bằng 9,6% tổng thiệt hại năm 2015-2016 (tổng diện tích lúa thiệt hại năm 2015-2016 là 405.000ha). Các diện tích cây ăn trái hiện chưa bị thiệt hại. Về nước sinh hoạt, khoảng 88.300 hộ dân đang gặp khó khăn do hạn, mặn, trong khi tổng số hộ dân gặp khó khăn do hạn, mặn năm 2015-2016 là 210.000 hộ. Những hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt đang được các địa phương tăng cường giải pháp để cung cấp đủ nước.

PV: Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt, nông dân có nhiều cách làm sáng tạo như tích trữ nước ngọt trong kênh mương, đào hố và trải ni lông tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm... Những cách làm này hiệu quả ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm là những giải pháp hữu hiệu được thực hiện trong mùa khô hạn, xâm nhập mặn năm nay ở ĐBSCL. Đây cũng là những giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo, khuyến cáo thực hiện. Để giải pháp này đạt hiệu quả như thực tế có sự đóng góp của truyền thông. Công tác truyền thông giúp người dân có ý thức cao hơn trong việc chủ động phòng tránh, có nhiều sáng kiến hữu hiệu để giảm thiệt hại cho cây trồng, bảo vệ tài sản cho gia đình.

Người dân tỉnh Bạc Liêu khoan giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt. Ảnh: NGUYỄN DIỆP ANH

PV: Những năm gần đây, mỗi mùa hạn hán và xâm nhập mặn, một số đơn vị quân đội đã vận chuyển nước sinh hoạt tới hỗ trợ bà con ở tỉnh Bến Tre và Trà Vinh... Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của hoạt động này?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Hạn hán và xâm nhập mặn là loại hình thiên tai, có ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Do vậy, khi xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị tham gia ứng cứu, hỗ trợ người dân. Việc tham gia của lực lượng quân đội là hết sức cần thiết và mang lại hiệu quả cao. Việc làm này của quân đội càng củng cố, gắn bó mật thiết tình đoàn kết quân dân.

PV: Biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn trong thời gian tới dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp. Theo ông, chúng ta cần những giải pháp trước mắt và dài hạn nào để giảm thiệt hại cho sản xuất cũng như đời sống của người dân?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các yếu tố khác, như: Việc gia tăng sử dụng nước ở thượng nguồn các hệ thống sông quốc tế, phát triển nội tại dẫn đến nhu cầu sử dụng nước tăng... Vì vậy, tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ tiếp tục xảy ra thường xuyên hơn ở nước ta. Đối với mùa khô 2019-2020, xâm nhập mặn ở ĐBSCL còn tiếp tục khoảng 1-2 tháng nữa; hạn hán, thiếu nước ở khu vực Trung Bộ đã xuất hiện và sẽ còn gia tăng, mở rộng phạm vi, kéo dài ít nhất đến hết tháng 8-2020. Vì thế, giải pháp trước mắt là cập nhật hằng ngày diễn biến thời tiết; tổ chức đo đạc, theo dõi nguồn nước, độ mặn ở các vùng cửa sông, cửa biển; chủ động lấy nước ngọt vào công trình thủy lợi. Bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước; rà soát diện tích vườn cây, vườn giống cây ăn trái ở các khu vực ĐBSCL có nguy cơ ảnh hưởng của hạn, mặn; vận động người dân sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt, nước sinh hoạt.

Về lâu dài, phải tăng cường năng lực giám sát, dự báo xâm nhập mặn, đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát tự động để kịp thời thông tin, ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Đặc biệt, cần xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, xây dựng các trạm bơm cột nước thấp để chủ động cấp nước, kiểm soát triều (nhất là vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn), bảo đảm tiết kiệm nguồn nước. Việc chuyển sang phát triển nông nghiệp đa dạng, phù hợp với thực tế và đáp ứng nhu cầu thị trường cũng là giải pháp để giảm tác hại từ biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-nong-nghiep-da-dang-de-giam-thiet-hai-do-han-man-612928