Phát triển nông nghiệp của Hòa Bình theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn

Hòa Bình cần phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ thị trường Hà Nội và các địa phương lân cận; phát triển các sản phẩm nông nghiệp như cây ăn trái, chăn nuôi lợn, gà, cá gắn với chế biến sâu…

Toàn cảnh buổi làm việc của Trưởng ban Kinh tế Trung ương với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 30/7. Ảnh: Thành Trung.

Toàn cảnh buổi làm việc của Trưởng ban Kinh tế Trung ương với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 30/7. Ảnh: Thành Trung.

Đây là chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 30/7 về góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Hòa Bình có vị trí đặc biệt, là cửa ngõ của Tây Bắc kết nối với đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, kết nối miền núi với đồng bằng, nằm trong vùng Thủ đô kết nối với Hà Nội. Vì thế, Hòa Bình cần đánh giá các lợi thế so sánh, điều kiện tự nhiên và vị trí chiến lược thuận tiện về kết nối giao thông để xây dựng và phát triển Hòa Bình trở thành một nơi đáng sống. Đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân trên nền tảng giữ được hệ sinh thái, không chỉ cho Hòa Bình mà còn cả vùng đồng bằng sông Hồng.

Quan điểm phát triển cho Hòa Bình trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo là: Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình đặt trong mối liên kết tổng thể phát triển của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội; phát triển toàn diện, lấy phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; phát triển kinh tế kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển kinh tế, xã hội; phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển trong cả nước.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị Hòa Bình cần tập trung vào phát triển rừng để bảo vệ hệ sinh thái, đan xen giữa cây ngắn hạn và dài hạn để giúp nhân dân đảm bảo thu nhập trước mắt và lâu dài gắn với chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu; nghiên cứu thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng có giá trị gia tăng cao.

Về công nghiệp, Hòa Bình cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến gỗ nhằm khai thác tối đa các giá trị từ rừng; phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng để khai thác nguồn nguyên liệu, trong đó có nguyên liệu gỗ tại địa phương.

Đồng thời, phát triển năng lượng sạch theo hướng khai thác tiềm năng về điện mặt trời trên mặt hồ thủy điện, cũng như điện gió tại các vùng có điều kiện; quy hoạch và tập trung vào các khu công nghiệp để đảm bảo hiệu quả về logistic, tập trung xử lý môi trường, tạo không gian phát triển và đảm bảo hệ sinh thái.

“Khai thác lợi thế gần Hà Nội, Hòa Bình cần biến khó khăn về đặc điểm địa hình thành lợi thế để phát triển du lịch, trong đó kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư các khu du lịch tầm cỡ, hệ thống sân golf, hệ thống y tế nghỉ dưỡng, các trung tâm đổi mới sáng tạo… để thu hút các doanh nghiệp khác tham gia đầu tư vào lĩnh vực này; phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có hệ thống giao thông nông thôn về các huyện xã phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương” - ông Nguyễn Văn Bình nói./.

Hạnh Thảo

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-07-30/phat-trien-nong-nghiep-cua-hoa-binh-theo-huong-huu-co-dam-bao-an-toan-90258.aspx