Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Quảng Xương

Được xác định là khâu đột phá nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội, huyện Quảng Xương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Mô hình dưa công nghệ cao tại xã Quảng Hợp.

Xây dựng và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao là khâu đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020-2025, mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Xương lần thứ XXVI đã xác định rõ. Căn cứ vào tiềm năng, lợi thế và đặc thù của địa phương, huyện Quảng Xương đã xây dựng đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó trọng tâm là Chương trình phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ cao; hợp tác liên kết trong sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Theo đó quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp được huyện tập trung thực hiện. Đến nay, đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến như: vùng nguyên liệu sản xuất tập trung lúa gạo chất lượng cao, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, có quy mô trên 350 ha ở các xã Quảng Văn, Quảng Hòa, Quảng Hợp, Quảng Ngọc, Quảng Nhân, Quảng Long, Quảng Yên,...; vùng sản xuất rau an toàn tập trung VietGAP trên 28 ha ở các xã Quảng Lưu, Quảng Yên, thị trấn Tân Phong, Quảng Hợp; vùng sản xuất khoai tây, ớt, ngô ngọt..., liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, với quy mô từ 50 - 135 ha/năm, cho thu nhập bình quân từ 175 - 180 triệu đồng/ha/vụ; sản xuất giống cá chép, cá rô phi thu nhập từ 800 - 900 triệu đồng/ha/vụ; nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung diện tích 29 ha. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 1 trang trại chăn nuôi lợn ngoại thương phẩm quy mô 2 ngàn con; 5 trang trại nuôi bò thịt chất lượng; 4 trang trại nuôi gà quy mô từ 20 ngàn con trở lên; 2 trang trại nuôi thỏ quy mô từ 3 ngàn con trở lên; 2 trang trại nuôi vịt thịt và vịt sinh sản từ 10 ngàn con trở lên. Tổng vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao tính đến hết năm 2020 đạt trên 177,3 tỷ đồng. Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao không chỉ góp phần giúp các xã, thị trấn hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, mà còn giúp người dân từng bước tiếp cận phương thức làm ăn, sản xuất mới, hiện đại hơn và cho thu nhập cao hơn.

Những kết quả đạt được nói trên là tiền đề quan trọng để huyện Quảng Xương tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, huyện Quảng Xương đã xây dựng quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cho các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững, gồm 3 lĩnh vực chính là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Về trồng trọt, huyện xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo chất lượng cao, quy mô lớn, ứng dụng khoa học - công nghệ, liên kết theo chuỗi giá trị; đồng thời tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP gạo chất lượng cao tại các xã Quảng Ngọc, Quảng Văn, Quảng Hòa, Quảng Yên, Quảng Long, Quảng Trường, Quảng Phúc, Quảng Hợp; phát triển vùng sản xuất rau, quả tập trung trên 50 ha theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Quảng Lưu, Quảng Yên, Quảng Văn, Quảng Lộc,...; trồng rau trong nhà lưới, nhà kính ứng dụng công nghệ cao tại các xã Quảng Hợp, Quảng Lưu, thị trấn Tân Phong với quy mô trên 50.000m2, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP rau quả huyện Quảng Xương. Về chăn nuôi, phát triển trang trại lợn ngoại hướng nạc tại các xã Quảng Đức, Quảng Hợp, thị trấn Tân Phong; phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm tại các xã Quảng Định, Quảng Hợp, Quảng Bình, Quảng Trường, thị trấn Tân Phong. Về thủy sản, phát triển vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tại các xã Quảng Chính, Quảng Trung, Quảng Khê, Quảng Thạch; triển khai vùng nhân giống và nuôi trồng thủy sản nước ngọt tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tại xã Quảng Định, thị trấn Tân Phong.

Cùng với đó, huyện cũng chú trọng xây dựng các mô hình điểm HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp có hiệu quả để nhân rộng và thu hút người lao động tham gia; phấn đấu có trên 50% số xã có HTX thực hiện mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm lợi thế, chủ lực của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương Hà Thế Anh cho biết: Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, huyện sẽ tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ để nông nghiệp huyện nhà phát triển trong tốp đầu của tỉnh; ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để chọn, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Tập trung quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn, công nghệ cao như vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP trong nhà màng, nhà kính, vùng sản xuất lúa gạo chất lượng, vùng chăn nuôi vệ sinh an toàn thực phẩm, vùng nuôi trồng thủy sản. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với các tổ chức hợp tác và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Khuyến khích liên kết giữa hộ nông dân sản xuất với tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp. Đây chính là những yếu tố quan trọng để huyện Quảng Xương hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Với tiềm năng, lợi thế và nền tảng có được, mục tiêu trên sẽ đạt được khi có sự đồng lòng, chung tay thực hiện của các cấp ủy đảng, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện.

Bài và ảnh: Mạnh Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-o-huyen-quang-xuong/139838.htm