Phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững

Đổi mới khoa học - công nghệ (KHCN) là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Đầm Hà đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bền vững, qua đó khai thác tốt dư địa từ lĩnh vực này.

Khu sản xuất tôm giống chất lượng cao tại huyện Đầm Hà.

Khu sản xuất tôm giống chất lượng cao tại huyện Đầm Hà.

Nông nghiệp công nghệ cao tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt là thân thiện với môi trường. Khi áp dụng công nghệ cao, mỗi ha trồng dưa lưới của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đầm Hà cho ra 90 tấn/năm; trong khi với cách sản xuất truyền thống chỉ đạt 60 tấn/năm. Mô hình nhà lưới của hộ ông Trương Thế Đô (xã Đại Bình) tăng được 3 vụ, trong đó có 1 vụ trái vụ. Nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất có thể cho ra các nông sản trái vụ có giá bán cao hơn sản phẩm chính vụ.

Không những vậy, các môi trường nhân tạo được tạo ra đã tránh được rủi ro, bất lợi của thời tiết, sâu bệnh; năng suất cây trồng tăng. Đặc biệt khi Tập đoàn Việt - Úc đầu tư Dự án Khu phức hợp sản xuất tôm giống chất lượng cao tại xã Tân Lập, dự kiến cho ra 8 tỷ con giống khỏe mạnh, sạch bệnh, được kiểm soát tốt môi trường, nguồn nước, giống bố mẹ (hằng năm, toàn tỉnh cần 22 tỷ con giống); trước đó phải vận chuyển xa, giống lậu, trôi nổi, gây thiệt hại cho hộ nuôi rất lớn.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ nhà màng và vi sinh của hộ ông Trương Thế Đô (xã Đại Bình) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Thời gian qua, Đầm Hà đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản với tổng vốn giai đoạn 2015-2020 gần 2.400 tỷ đồng; trong đó, nông nghiệp công nghệ cao được xem là hướng đi trọng điểm. Huyện đã tổ chức nuôi trồng thủy sản tại các vùng quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao. Các sản phẩm OCOP của huyện tập trung chủ yếu vào hàng nông sản sản xuất theo quy trình công nghệ, hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó có những sản phẩm có ưu thế vượt trội ứng dụng KHCN, chất lượng, sản lượng được nâng lên, như dưa lưới Quảng Tân, trứng vịt biển Tân Bình, gà bản Đầm Hà, củ cải Đầm Hà...

Xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn là định hướng đúng, phù hợp với xu thế hiện nay, Đầm Hà tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách bền vững.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính mang lại thu nhập cao cho người dân Đầm Hà.

Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, từng bước hình thành và phát triển kinh tế vùng, miền, vùng chuyên canh, tập trung quy mô, ưu tiên phát triển một số loại cây, sản phẩm hàng hóa có thế mạnh; xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng vườn mẫu.

Huyện cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết với dân; thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sản xuất công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữa cơ, VietGAP... Đồng thời, quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ xử lý môi trường, công nghệ chế biến và bảo quản các sản phẩm nông, thủy sản; làm tốt dịch vụ đầu ra, đầu vào cho nông dân, tăng cường hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...

Yến Vy

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202011/dam-ha-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-ben-vung-2508178/