Phát triển nông nghiệp bền vững

Giai đoạn 2020-2025, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 2,8%/năm, thay đổi tư duy từ phát triển nhanh sang bền vững. Trong đó, đẩy mạnh liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị, phát triển hợp tác xã (HTX) kiểu mới, kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn… là những ưu tiên hàng đầu.

Nắm bắt thời cơ

Theo đánh giá của các ngành chuyên môn, dù đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nhưng nông sản Việt Nam nhìn chung có sức cạnh tranh thấp cả về giá cả, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, khả năng mở rộng thị trường bị hạn chế. Những hạn chế này xuất phát từ các nguyên nhân: trình độ sản xuất thấp, chậm đổi mới công nghệ, năng lực tiếp thị, xúc tiến thương mại chưa cao.

Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)… nhiều cơ hội về thị trường nông sản quốc tế đang mở ra cho nông nghiệp nước ta. Vì vậy, cần có đột phá trong phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường cao cấp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo chiều sâu và tiếp tục tăng trưởng cao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, nông nghiệp tiếp tục được xác định là mũi nhọn và thế mạnh phát triển của tỉnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 2020-2025, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân 2,8%/năm. Đến năm 2025, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 68 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95%.

Trong sản xuất nông nghiệp, diện tích sử dụng giống lúa xác nhận từ 80% trở lên; diện tích áp dụng nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” đạt trên 50% diện tích ứng dụng có hiệu quả; giữ ổn định sản lượng lúa khoảng 3,7-3,9 triệu tấn/năm. Đồng thời, có thêm ít nhất 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); từ 30-35 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; phấn đấu có thêm 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.

Ứng dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp

Thu hút đầu tư

Ông Lâm cho biết, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp mời gọi doanh nghiệp (DN) mới thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt như: lúa, rau màu, cây ăn trái, phấn đấu mỗi ngành hàng ít nhất 2 DN mới gắn với tiêu chuẩn của DN.

Đối với ngành chăn nuôi, phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn bò đạt khoảng 95.000 con, trong đó có 10.000 con bò sữa của Tập đoàn TH True Milk. Đồng thời, hình thành 7 mô hình trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong chăn nuôi. Về thủy sản, phấn đấu đến năm 2025, diện tích mặt nước nuôi thủy sản đạt 2.500ha, số lồng bè 3.870 cái, sản lượng nuôi 680.000 tấn; hình thành 3 mô hình trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong thủy sản.

Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 70 sản phẩm OCOP (Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm) đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 30 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, đồng thời có tối thiểu 3 sản phẩm tham dự đánh giá xếp hạng OCOP cấp quốc gia. Nhằm đẩy mạnh liên kết trong nông nghiệp, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 261 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

Trong đó có ít nhất 50% số HTX có tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với DN; ít nhất 18 HTX sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao; ít nhất 11 HTX điển hình/11 huyện, thị xã, thành phố để nhân rộng ra toàn tỉnh áp dụng. Mỗi huyện đều có HTX tham gia Chương trình OCOP và có sản phẩm đạt tối thiểu 3 sao. Doanh thu bình quân 1 HTX đạt 5,5 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 1 HTX ước đạt 300 triệu đồng, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt 38 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện có, đồng thời nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách mới để thực hiện những mô hình kinh tế nông nghiệp đột phá.

Bên cạnh đó, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các DN ứng dụng và đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực phát triển các sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường; hình thành một số DN nông nghiệp giữ vai trò đầu tàu trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế hợp tác, thực hiện mô hình kết hợp giữa kinh tế hộ và chăn nuôi công nghiệp, tập trung để kiểm soát chất lượng và phòng, ngừa dịch bệnh.

NGÔ CHUẨN

Sở NN&PTNT sẽ rà soát, đánh giá lại các vùng quy hoạch hàng hóa, chuyên canh trước đây để có kế hoạch bố trí vùng sản xuất cho phù hợp với thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường theo lợi thế của từng vùng sinh thái trong tỉnh, phù hợp với Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và cả vùng ĐBSCL. Qua đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng nhằm phục vụ các vùng có chuỗi giá trị liên kết - tiêu thụ.

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-a278469.html