Phát triển nông nghiệp bền vững theo phương châm 'tạo ra nhiều hơn từ ít hơn'

'Tạo ra nhiều hơn từ ít hơn nghĩa là cần ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, sử dụng ít tài nguyên hơn mà vẫn tạo ra được sản phẩm có giá trị mới cao hơn' - TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn giải thích.

Một thực tế là Việt Nam hiện có khoảng 9 triệu hộ nông dân, nhưng mỗi hộ chỉ canh tác, sản xuất khoảng 0,5ha đất. Điều này rất khó để tạo thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu dùng đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới ngày càng đòi hỏi sản phẩm nông lâm thủy sản phải có chất lượng cao hơn, không những về vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn đảm bảo về bảo vệ môi trường.

Cần ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm có giá trị mới cao hơn

Cần ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm có giá trị mới cao hơn

Thêm vào đó, nông nghiệp Việt Nam cũng chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu khiến nguồn tài nguyên ngày càng suy giảm, diện tích đất sản xuất ít đi, nguồn nước khan hiếm hơn, xâm nhập mặn, hạn hán...

Để xử lý được một loạt những vấn đề đó, đưa nông nghiệp thành động lực cho tăng trưởng kinh tế cần có những giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững theo phương châm “tạo ra nhiều hơn từ ít hơn”.

Nghĩa là cần ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, sử dụng ít tài nguyên hơn mà vẫn tạo ra được sản phẩm có giá trị mới cao hơn.

Song song đó, phải chú trọng tới việc giảm tổn thất sau thu hoạch, bảo quản tốt hơn, tăng cường chế biến để nâng cao giá trị cho nông sản.

Cùng chung nhận định, ông Kimura Yoshihisa, chuyên gia JICA tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, thực trạng chung của sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay là sản xuất với quy mô quá nhỏ lẻ, manh mún nên năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp.

Do đó, nông dân ít có lợi nhuận, không thể đầu tư vào trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị tàn phá, bỏ hoang, phát sinh nhiều côn trùng gây bệnh, ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực.

Vì vậy, để phát triển nông nghiệp bền vững, Việt Nam cần giải quyết được vấn đề nâng cao năng suất và bố trí lại đất nông nghiệp; trong đó, các thửa ruộng nhỏ lẻ cần được dồn lại và hợp nhất nhằm tạo ra hiệu ứng đồng bộ.

Dẫn chứng cụ thể trong sản xuất lúa gạo, việc sản xuất trên cánh đồng lớn có thể rút ngắn được 50% thời gian lao động, nâng quy mô sản xuất của các hộ nông dân lên gấp 2 lần và giảm được khoảng 2/3 chi phí sản xuất so với sản xuất nhỏ lẻ.

PGS.TS Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) cho biết, Nông nghiệp vùng ĐBSCL hằng năm đóng góp khoảng 27% GDP của cả nước, sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực, đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu. Kết quả đó là nhờ nông dân tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết “4 nhà”, xây dựng cánh đồng lớn…

Tuy nhiên, cơ chế, chính sách, những yếu kém nội tại trong quá trình thực hiện mối liên kết “4 nhà” cũng bộc lộ nhiều hạn chế nên hiệu quả chưa như mong muốn. Theo PGS.TS Mai Thành Phụng, trong bối cảnh hiện nay, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là yêu cầu tất yếu, góp phần nâng cao giá trị và là hướng đi bền vững.

Lý giải vì sao phải sản xuất theo chuỗi và phải truy xuất nguồn gốc, TS. Trần Quốc Nhân, Khoa Nông nghiệp Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, khẳng định trước hết là do yêu cầu thị trường, nhất là thị trường quốc tế. Nếu hàng hóa không đồng nhất, không đủ số lượng lớn và không truy xuất được nguồn gốc thì các nước nhập khẩu sẽ từ chối, không mua.

Hơn nữa, việc sản xuất theo hợp đồng còn giúp nông dân tiếp cận được kỹ thuật, được nguồn vốn, còn doanh nghiệp thì phát triển được vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Còn theo PGS.TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng rất nhiều yếu tố, từ giống, quy trình canh tác đến thời tiết, khí hậu… Do đó, mặt hàng nông sản rất khó đồng nhất, chất lượng sẽ khác nhau nếu sản xuất ở những nơi khác nhau. Nên người tiêu dùng cần truy xuất được nguồn gốc để biết rõ món hàng mình sẽ mua, sẽ ăn.

Tuy nhiên, truy xuất nguồn gốc không thể làm cho từng hộ, mà chỉ có thể làm cho một vùng sản xuất. Vì vậy, nông dân cần phải thay đổi quy trình sản xuất, liên kết sản xuất, làm theo chuỗi…

M.L

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-theo-phuong-cham-tao-ra-nhieu-hon-tu-it-hon-539210.html