Phát triển, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả

ĐTO - Thời gian qua, ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhân rộng mô hình canh tác hiệu quả hướng đến sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp

Trên tinh thần đó, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với địa phương và các ngành liên quan theo dõi hoạt động, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác loại hình du lịch sinh thái tạo giá trị mới trong quá trình sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có 44 điểm tham quan trải nghiệm vườn trái cây đặc sản, 22 điểm trải nghiệm nông nghiệp và các điểm tham quan cảnh quan sinh thái đồng quê, tham quan trải nghiệm làng nghề, khu vui chơi giải trí miệt vườn...

Ngành nông nghiệp kịp thời tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ mới, cách làm hiệu quả từ nguồn kinh phí khuyến nông và tái cơ cấu nông nghiệp được phân bổ năm 2021. Theo đó, đơn vị tiếp tục theo dõi, triển khai nhân rộng mô hình Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0; mô hình áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành giúp giảm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân, tạo được vùng nguyên liệu liên kết với doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn chủ động phối hợp địa phương triển khai và tiếp nhận đăng ký nhu cầu hỗ trợ chứng nhận VietGAP. Đến nay, diện tích lúa đạt chứng nhận VietGAP là 40ha và 558ha được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trên rau màu có 31ha được chứng nhận VietGAP và 72ha rau màu các loại được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trên cây ăn trái, hiện có 431ha đạt chứng nhận VietGAP, 13ha được chứng nhận GlobalGAP, 19ha đạt chứng nhận LocalGAP và 3ha đạt chứng nhận sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, có 95 mã số vùng trồng và 12 mã số cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 44 mã số vùng trồng xuất khẩu sang nước phát triển, tổng diện tích 5.870ha (chiếm 17,58% diện tích trồng cây ăn trái).

Đối với thủy sản, toàn tỉnh có 852ha thủy sản nuôi được cấp chứng nhận tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ASC, BAP, GlobalGAP, VietGAP); công tác cấp mã số nhận diện phục vụ truy suất nguồn gốc thủy sản được 370 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm với diện tích gần 1.600ha và có 472ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 57 cơ sở...

Y DU

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/phat-trien-nhan-rong-mo-hinh-san-xuat-hieu-qua-97147.aspx