Phát triển nhân lực ngành tài chính - ngân hàng trong kỷ nguyên 4.0

Kỷ nguyên 4.0 đã đặt ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành tài chính - ngân hàng nói riêng. Bài toán mà ngành tài chính - ngân hàng phải đối mặt chính là xây dựng một đội ngũ nhân lực xứng tầm nhằm bắt kịp cuộc chạy đua công nghệ mà trọng tâm là 'chuyển đổi số' với nhiều lợi ích to lớn mà nó mang lại.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Phát triển nhân lực ngành tài chính - ngân hàng trong kỷ nguyên 4.0” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Trường đại học Hoa Sen tổ chức ngày 6/8, tại TP. Hồ Chí Minh.

Các diễn giả khách mời tại hội thảo

Các diễn giả khách mời tại hội thảo

Hiện nay các cơ quan, doanh nhiệp tài chính và các ngân hàng vẫn loay hoay với bài toán nhân sự: thừa thì vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước thềm cách mạng công nghiệp 4.0.

Các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bồi dưỡng và đào tạo lại để đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành ngân hàng có đủ trình độ vận hành, làm chủ công nghệ mới. Ngoài ra, các ngân hàng Việt Nam sẽ phải chịu áp lực lớn hơn với việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đối mặt với nguy cơ dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao sang các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế Quốc tế, Giám đốc Chương trình Dự báo nhân lực cho biết, hiện nay và các năm tới, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải đặc biệt coi trọng trong chiến lược phát triển của ngành tài chính - ngân hàng. Đại đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm chỉ đạt yêu cầu 20-25% tại các ngân hàng còn “hổng” cả về kỹ năng (thái độ làm việc, kỹ năng làm việc nhóm, trình độ tiếng Anh, khả năng giao tiếp) và kiến thức (các kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói chung).

Do đó, hầu như các ngân hàng đều phải mất thời gian đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Một số lĩnh vực chuyên sâu thiếu rất nhiều nhân lực và các ngân hàng phải mất nhiều chi phí để thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn, thực hiện.

Khảo sát tại các ngân hàng Việt Nam cho thấy, có 3 vị trí rất khó tuyển dụng hiện nay là quản trị rủi ro, quản lý và đầu tư. Nguồn nhân lực ngành ngân hàng hiện nay vẫn có một thực tế là vừa thiếu vừa yếu. Đặc biệt, khối kiến thức bổ trợ (công nghệ thông tin, ngoại ngữ) yếu; kiến thức ngành, giao tiếp hạn chế. Hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô trung bình trở xuống thiếu đội ngũ quản trị điều hành, lãnh đạo cấp chi nhánh, phòng giao dịch.

Ông Tuấn dự báo, đến năm 2020 - 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính ngân hàng tăng 20%/năm. Do đó, các cơ sở đào tạo không đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực thì lực lượng lao động chất lượng cao trong ngành sẽ thiếu trầm trọng.

Hội thảo thu hút sự tham dự của trên 200 khách mời

Tại TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực nhóm ngành tài chính - ngân hàng đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 5% tổng số chỗ làm việc cần tuyển hàng năm (khoảng 15.000 lao động) trong đó trình độ đại học trở lên, cao đẳng chiếm tỷ lệ 80,4% nhu cầu tuyển dụng.

Theo các diễn giả khác có mặt tại hội thảo, việc chú trọng cho đào tạo nhân lực ngành tài chính ngân hàng trong các năm tới là rất quan trọng. Việc này đòi hỏi các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng tốt công nghệ trong đào tạo sinh viên, và kết nối tốt hơn với các ngân hàng để sinh viên có chỗ thực tập sớm khi còn đi học. Bên cạnh đó bản thân sinh viên cũng phải biết trau dồi các kĩ năng mềm để bắt kịp nhu cầu tuyển dụng của ngân hàng hiện tại.

Để trả lời câu hỏi việc số hóa ngân hàng có sẽ khiến nhu cầu nhân lực ngành này giảm xuống hay không, đa phần các diễn giả đều cho rằng số hóa sẽ giúp nhân viên ngân hàng có dữ liệu để phục vụ khách hàng tốt hơn nhưng giao tiếp giữa con người với con người vẫn rất quan trọng, do đó khó có thể nói rằng máy móc sẽ hoàn toàn thay thế vị trí của nhân viên ngành ngân hàng.

Hoàng Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-nhan-luc-nganh-tai-chinh-ngan-hang-trong-ky-nguyen-40-123431.html