Phát triển nhân lực hành chính nhà nước

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính nhà nước phải xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố, trong đó nhân lực hành chính là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu khẳng định tại Hội thảo khoa học “Phát triển nhân lực hành chính nhà nước” do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 5/8.

Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của nhân lực hành chính

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, con người có vai trò quan trọng trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt, hiện nay, khi xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính, trong điều kiện hội nhập quốc tế thì yếu tố nhân lực hành chính giữ vai trò rất quan trọng.

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, thời gian qua việc tiến hành tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị chưa đạt tỷ lệ. Chủ yếu vẫn là lấy số người nghỉ hưu, số người xin chuyển công tác để tính vào tỷ lệ tinh giản biên chế… mà chưa đánh giá, phân loại để đưa được người không đủ năng lực, không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ vào diện tinh giản biên chế.

Nhắc tới vấn đề này, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định, “nhân lực hành chính giữ vai trò lãnh đạo cũng là một yếu tố góp phần thực hiện đúng chủ trương của Đảng”.

Đề cập đến thực trạng nhân lực hành chính cải cách hành chính nhà nước, TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho rằng, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động thực thi công vụ của nhân lực hành chính nhà nước là một vấn đề cần chú ý.

Theo ông, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ mới tập trung chủ yếu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước; thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong hoạt động hành pháp.

Ông nhấn mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương công vụ cần phải được thực hiện ở tất cả các khâu của nền hành chính quốc gia, hoạt động hành pháp, bắt đầu từ việc thi cử, tuyển chọn, đào tạo, phân công cho đến thực hiện nhiệm vụ, công vụ, đánh giá cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm, điều động, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật… Việc duy trì kỷ luật, kỷ cương phải được thực hiện ngay từ đầu của quá trình thực thi công vụ thì mới chọn được đúng người, đúng việc, đúng vị trí, đúng trình độ, năng lực.

“Tình trạng ngồi sai vị trí, giao sai nhiệm vụ, sai chức năng, sai thẩm quyền… trong thực thi công vụ thì không thể bảo đảm được kỷ luật, kỷ cương công vụ” - TS Nguyễn Đình Quyền thẳng thắn phát biểu.

Theo ông, để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động thực thi công vụ của công chức hành chính nhà nước thì cần tăng cường kiểm soát quyền lực trong quản lý nhà nước; thông qua việc xác định rõ trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành…

Xây dựng chiến lược phát triển nhân lực hành chính của từng bộ, ngành

PGS.TS Văn Tất Thu, Chủ nhiệm khoa Quản lý nhà nước (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội), nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, để đạt được mục tiêu chính sách phát triển nhân lực hành chính nhà nước thì trước hết cần xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực hành chính. “Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong chính sách phát triển nhân lực hành chính nhằm chủ động tạo nguồn, có tầm nguồn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài” - PGS.TS Văn Tất Thu nhấn mạnh.

Ông phân tích rõ, cần xây dựng chiến lược phát triển nhân lực chung cho cả nước và nhân lực hành chính của từng bộ, ngành, tỉnh, thành phố; bảo đảm theo cơ cấu trình độ, giới tính, ngành nghề, vùng miền… Đặc biệt, cần chú ý đến lực lượng là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý; chuyên gia đầu ngành, chuyên gia hoạch định chính sách ở tầm chiến lược; doanh nhân, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người dân tộc… theo quan điểm “động và mở”, chất lượng sát với thực tế và nhu cầu sử dụng, tránh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch treo.

Vẫn theo PGS.TS Văn Tất Thu, hệ thống giải pháp tuyển chọn, tuyển dụng hợp lý, chặt chẽ và khoa học có vai trò cực kỳ quan trọng trong xây dựng và phát triển nhân lực hành chính. Việc tuyển chọn, tuyển dụng nhân lực hành chính phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, các cấp các ngành trong từng giai đoạn. Đồng thời, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực hành chính và theo nguyên tắc cạnh tranh, dân chủ, công khai, công bằng, khách quan bằng quy trình thi hoặc xét tuyển chặt chẽ và nghiêm túc.

Để phát triển nhân lực hành chính cần phải sử dụng, trọng dụng, tôn vinh họ một cách hợp lý và đúng đắn. “Cần có chế độ tiền lương và các chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tương thích với thành tích, cống hiến của nhân lực hành chính để họ an tâm làm việc, không phải lo đến đời sống vật chất hàng ngày của họ” – ông nói./.

Kim Thanh

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/phap-luat/phat-trien-nhan-luc-hanh-chinh-nha-nuoc-560868.html