Phát triển nhãn hiệu tập thể nước mắm Nam Ô

Nhằm hỗ trợ các hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô phát triển nhãn hiệu tập thể nước mắm Nam Ô, ngày 20/4, tại Đà Nẵng, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Khoa học 'Phát triển nhãn hiệu tập thể nước mắm Nam Ô'.

Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô đã có danh tiếng lâu đời và được dùng làm sản phẩm tiến vua từ thế kỉ 18 và có tiếng trên khắp mọi miền đất nước và ngoài nước.

Đến nay, làng nghề có 92 hộ làm nước mắm, trong đó có 62 hộ tham gia vào Hội làng nghề nước mắm truyền thống, 10 cơ sở quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, ba hợp tác xã và một doanh nghiệp.

Nghề mắm đã tạo việc làm bền vững cho vài trăm lao động địa phương với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng. Bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 200.000 lít nước mắm thành phẩm. Sản phẩm nước mắm Nam Ô đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể theo Quyết định số 26266/QĐ-SHTT ngày 16/12/2009 và được gia hạn theo Quyết định số 1973/QĐ-SHTT ngày 9/1/2018.

 Sản phẩm nước mắm Hương Làng Cổ của Công ty TNHH Mắm Hồng Hương (phường Hòa Hiệp Nam) (ảnh: LT)

Sản phẩm nước mắm Hương Làng Cổ của Công ty TNHH Mắm Hồng Hương (phường Hòa Hiệp Nam) (ảnh: LT)

Ngày 27/8/2019, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định công nhận Di sản phi vật thể quốc gia, trong đó có nghề làm nước mắm Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

Nhằm phát triển hơn nữa làng nghề, TP Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch TP Đà Nẵng” với kinh phí gần 4,7 tỉ đồng với các mục tiêu cụ thể như đưa sản phẩm nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, tăng thu nhập cho người làm nước mắm, xây dựng làng nghề trở thành điểm du lịch của thành phố, khai thác các tiềm năng di tích, phong cảnh cũng như các hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương…

Hội thảo Khoa học “Phát triển nhãn hiệu tập thể nước mắm Nam Ô” là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch TP Đà Nẵng”. Tại hội thảo, các đại biểu đã rà soát quy chế quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của làng nghề, trao đổi, thảo luận đề ra các giải pháp khắc phục các vấn đề hạn chế, vướng mắc nhằm phát triển sản phẩm gắn với nhãn hiệu tập thể của làng nghề nước mắm Nam Ô, hướng đến góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề.

Đồng thời nhiều ý kiến cũng đã được đưa ra góp phần thúc đẩy phát triển thương hiệu như: thống nhất sử dụng logo thương hiệu sản phẩm cho tất cả các thành viên bên cạnh tên riêng của mỗi hộ; cần có nơi để trưng bày, giới thiệu sản phẩm chung của cả làng để khách du lịch có nhiều sự lựa chọn; tập huấn, đào tạo kỹ năng phát triển du lịch cho người dân…

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng Vũ Thị Bích Hậu cho biết, giai đoạn 2016-2020, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng đã thực hiện hỗ trợ việc đăng ký bảo hộ quyền sở hũu công nghiệp cho 27 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 27 sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Bánh tráng Túy Loan, Gạo Hòa Vang, Dệt thổ cẩm Hòa Bắc, Nấm Linh chi Đà Nẵng, rau củ quả Hòa Vang, Rượu cần Phú Túc…

Hội thảo lần này được tổ chức sẽ tạo điều kiện hỗ trợ làng nghề phát triển, khai thác hiệu quả hơn nữa nhãn hiệu tập thể đã được chứng nhận. Đây cũng sẽ là “cú hích” để vùng đất Nam Ô thức giấc và phát triển, đời sống của bà con làng nghề sẽ được đổi thay. Bên cạnh đó cần sự chung tay của cả cộng đồng, của bà con và cả những chủ thể làm ra sản phẩm.

Sở sẽ cố gắng hỗ trợ tốt nhất trong vai trò, trách nhiệm của mình để mang nước mắm Nam Ô ra nhiều thị trường khác, và đưa cả những tài sản trí tuệ khác đến với thị trường nhiều hơn...

Lê Tâm

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/dung-hang-viet/phat-trien-nhan-hieu-tap-the-nuoc-mam-nam-o-104326.html