Phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu

Sáng 7-10, trường Đại học Thương mại và Đại học Lao động Xã hội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề 'Phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu'.

Toàn cảnh hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu”. (Ảnh: Lâm Nguyễn)

Toàn cảnh hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu”. (Ảnh: Lâm Nguyễn)

Hội thảo nhằm mục đích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường giao lưu học thuật, chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý lao động, quản trị nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác giữa trường đại học với các tổ chức, doanh nghiệp trong đào tạo.

Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: Lâm Nguyễn)

Đại biểu tới tham dự hội thảo gồm có: GS.TS khoa học Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Nhà nước về Hợp tác quốc tế, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại; GS.TS. Phạm Vũ Luận – Nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại; TS. Nguyễn Trọng Thừa – Thứ trưởng Bộ Nội Vụ; GS.TS. Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại; PGS.TS. Lê Thanh Hà – Phó hiệu trưởng trường Đại học Lao động Xã hội; TS. Trần Ngọc Diễn – Tổng biên tập Tạp chí Lao động Xã hội; TS. Bùi Sỹ Tuấn – Phó Chánh văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; TS. Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng giám đốc Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội; PGS.TS. Lê Xuân Bá – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc – Nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội;…

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Đinh Văn Sơn cho biết: “Toàn cầu hóa đã mang lại những thay đổi nhanh chóng và đặt ra những thách thức to lớn về xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế và môi trường. Những thách thức này đòi hỏi những suy nghĩ, nhận thức và hành động ở quy mô toàn cầu của những “công dân toàn cầu”.

GS.TS. Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Lâm Nguyễn)

Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, giao lưu học thuật giữa các trường đại học, trong đó giữa trường Đại học Thương mại và Đại học Lao động Xã hội đã tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu” với mục tiêu tìm ra lời giải cho bài toàn nhân lực, đảm bảo cho phát triển bền vững nền kinh tế đất nước. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm, gửi bài tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và giảng viên của các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp. Ban tổ chức đã chọn lọc được 80/120 bài nghiên cứu để xuất bản trong kỷ yếu.

Các nghiên cứu mang hàm lượng khoa học cao, có giá trị thực tiễn và thể hiện tính đa dạng trong tiếp cận gắn với 3 chủ đề bao gồm: (1) Công dân toàn cầu và đào tạo nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu; (2) Chuyển đổi quan hệ lao động và quản trị nhân lực trong doanh nghiệp định hướng công dân toàn cầu; (3) Định hướng, chính sách của Nhà nước và Ngành đối với phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu.

“Những nghiên cứu không chỉ mang tính học thuật, tổng kết thực tiễn mà còn gợi mở các giải pháp khoa học, hàm ý chính sách đối với quá trình phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu các cấp và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực này tạo ra nguồn lực cốt lõi góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cũng tại buổi hội thảo, đại diện đơn vị đồng tổ chức, PGS.TS. Lê Thanh Hà – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lao động Xã hội cho rằng: “Toàn cầu hóa đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi để mỗi công dân trở thành những công dân toàn cầu. Đi liền với đó là sự bùng nổ và phát triển nhanh chóng của CNTT, KHKT đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế”.

PGS.TS. Lê Thanh Hà – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lao động xã hội phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Lâm Nguyễn)

Trong bối cảnh đó, nhiều trường đã chủ động đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức mô hình đào tạo tiên tiến, hiệu quả với mục đích có được đội ngũ sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường tự tin tham gia vào đội ngũ lao động trong nước cũng như các nước trên thế giới trở thành những công dân toàn cầu. Theo Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lao động Xã hội, hội thảo này là dịp gặp gỡ, trao đổi, thảo luận giữa các nhà nghiên cứu, giảng dạy với những người làm công tác thực tiễn về lĩnh vực lao động, quản trị nhân lực nhằm không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên cũng như có được những sáng kiến, giải pháp cho công tác đào tạo và nghiên cứu của hai nhà trường nhằm đáp ứng bối cảnh hội nhập và tự do hóa thương mại.

Tại hội thảo, các tác giả đã trình bày một số tham luận có giá trị thực tiễn cao như: Tham luận “Đào tạo công dân toàn cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế” của TS. Lê Tiến Đạt; Tham luận “Tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng công dân toàn cầu” của TS. Vũ Thị Ánh Tuyết và cộng sự; Tham luận “Định hướng của Nhà nước cho nhân lực hội nhập để người Việt Nam có thể làm việc ở mọi nơi của PGS.TS. Lê Xuân Bá; Tham luận “Nhu cầu lao động có kỹ năng và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” của TS. Nguyễn Thị Minh Hòa và cộng sự.

PGS.TS. Lê Xuân Bá trình bày tham luận. (Ảnh: Lâm Nguyễn)

Tổng kết chương trình hội thảo, thay mặt đoàn chủ tịch, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Nhàn – Trưởng khoa Quản trị nhân lực, trường Đại học Thương mại cho biết: “Các báo cáo tham luận và ý kiến đã khẳng định công dân toàn cầu là những người có tư duy và tầm nhìn mang tính toàn cầu; có kiến thức và hiểu biết các vấn đề kinh tế- xã hội của toàn cầu; có kỹ năng, tư duy sáng tạo và biết chia sẻ trách nhiệm đối với các vấn đề chung của toàn cầu; có bản sắc và tôn trọng tính đa dạng”.

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Nhàn – Trưởng khoa quản trị nhân lực, Đại học Thương mại kết luận hội thảo.

Các báo cáo cũng chỉ ra rằng: nguồn nhân lực của Việt Nam còn nhiều hạn chế để đạt được mục tiêu trở thành công dân toàn cầu. Để thực hiện được mục tiêu đó thì trách nhiệm thuộc về nhiều bên liên quan như các trường đại học, các cơ sở đào tạo, của các doanh nghiệp và bản thân nguồn nhân lực trong quá trình tự đào tạo. Nhà nước nổi lên với vai trò dẫn dắt các đối tác xã hội để vượt qua các thử thách, khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu trong nền kinh tế số, đây là một tất yếu khách quan, đặc biệt là ở một nền kinh tế chuyển đổi ở Việt Nam như hiện nay.

Định hướng chung của Nhà nước tập trung vào việc: Đổi mới mạnh mẽ bộ máy quản lý và các chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân tài của quốc gia; Bảo đảm về tài chính cho phát triển nguồn nhân lực; Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường huy động các nguồn lực cho phát triển nhân lực từ tất cả các thành viên xã hội; Đổi mới mạnh mẽ giáo dục đào tạo theo hướng thực hiện cơ chế tự chủ ở các cơ sở giáo dục đào tạo và thực hiện tập trung vào việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng số, cũng như thái độ của một công dân toàn cầu.

PV

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-dinh-huong-cong-dan-toan-cau-212774.html