Phát triển nguồn nhân lực cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao và là nơi chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước; thực hiện vai trò cầu nối với các khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây nguyên, trong đó hạt nhân là TP.Hồ Chí Minh.

Sinh viên Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) trong giờ thực hành. Ảnh:L.Phương

Sinh viên Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) trong giờ thực hành. Ảnh:L.Phương

Do đó, vùng có nhiều cơ hội để phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, tận dụng tối đa những lợi thế của vùng để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

* Nhiều cơ hội phát triển

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện chiếm tỷ trọng trên 45% GDP và 40% giá trị xuất khẩu của cả nước. Toàn vùng có 140 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ với hơn 15 ngàn dự án còn hiệu lực, thu nhập bình quân đầu người gấp hơn 2 lần cả nước...

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xem là đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học chất lượng cao của cả nước và khu vực. Cùng với hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế lớn đã giúp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành trung tâm du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, logistics... lớn nhất cả nước.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị thế, vị trí đầu tàu quan trọng, đóng góp tỷ lệ rất lớn về tăng trưởng kinh tế chung của cả nước với hơn 20 triệu dân, trong đó hơn 11 triệu lao động với năng suất lao động gấp 1,8 lần cả nước, tăng trưởng GDP gấp 1,75 lần cả nước. Riêng Đồng Nai có trên 1,2 triệu lao động đang làm việc trong hơn 34 ngàn tổ chức, doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế đã được cấp giấy đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam diễn ra tại Đồng Nai vào tháng 5-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, đối với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các nhà nghiên cứu, các học giả đều nhận thấy, đây là vùng có lợi thế phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là khoa học, công nghệ cao, công nghệ thông tin, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao… Cơ sở hạ tầng của vùng được xây dựng đồng bộ. Vùng còn có lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ của cả nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục giữ vai trò là đầu tàu dẫn dắt, phát triển mạnh và bền vững; tiếp tục đổi mới sáng tạo, cần có tầm nhìn xa hơn, tận dụng cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, các địa phương cần chú ý đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.

Theo Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn phải ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng, tập trung ở nơi có lợi thế về vị trí địa lý, gần nguồn cung cấp hàng hóa như: các khu công nghiệp, hệ thống cảng, gần khách hàng tiêu thụ; trong đó lấy TP.Hồ Chí Minh và gắn kết với trục Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Long Thành làm trung tâm và phát triển lan tỏa ra các khu vực lân cận...

Do đó, có thể thấy rằng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực giao thông - vận tải, logistics, công nghiệp, dịch vụ, các ngành công nghệ cao...

* “Đón đầu” các dự án lớn

Cũng theo Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2019, để tạo liên kết các ngành, lĩnh vực trong vùng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông - vận tải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, các dự án kết nối trong khu vực, đặc biệt là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, phấn đấu khởi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong quý IV-2020; chỉ đạo thông tuyến kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2021; chú trọng đầu tư đường thủy nội địa kết nối vận tải thủy đồng bằng sông Cửu Long với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ, đẩy mạnh phát triển vận tải thủy với Campuchia.

TS.Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp (Trường đại học bách khoa TP.Hồ Chí Minh) - đại diện nhóm chuyên gia của Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh thực hiện nghiên cứu, khảo sát về vấn đề nhận diện thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ chia sẻ, để nâng cao hiệu quả quy hoạch kết nối giao thông khu vực Nam bộ, các trường đại học lớn, đặc biệt Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh cần đóng vai trò phản biện khách quan và khoa học trước, trong và sau các dự án hạ tầng phát triển vùng; đồng thời hỗ trợ các địa phương đào tạo nhân lực quản lý quy hoạch và ứng dụng công nghệ trong quản lý hạ tầng...

Việc tập trung phát triển nguồn nhân lực được coi là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, trong đó tập trung đào tạo nghề chất lượng cao chính là khâu đột phá trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.

Theo Báo cáo của Bộ Công thương về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển logistics Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 4 ngàn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và 70% số đó tập trung ở TP.Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận.

PGS-TS.Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) cho biết, hiện nay khả năng đáp ứng nhân lực về logistics từ các cơ sở đào tạo tại TP.Hồ Chí Minh (địa phương đào tạo nhân lực về logistics lớn nhất cả nước) là 300-400 sinh viên được đào tạo đúng chuyên ngành ra trường mỗi năm; nếu tính trong vòng 3-4 năm tới, khi các trường đang đào tạo có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp thì con số này sẽ tăng lên khoảng 1 ngàn sinh viên mỗi năm. Do đó, nhu cầu nhân lực về ngành này ở khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung đang thiếu.

Từ năm 2017, VLI và nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ logistics trong nước cùng 13 trường đại học có tham gia đào tạo chuyên ngành logistics đã cùng ký thỏa thuận hợp tác đào tạo, trong đó chú trọng vào nâng cao tính thực tiễn cho sinh viên thông qua các chương trình thực tập trong quá trình học và giới thiệu tuyển dụng. Ngoài ra, chương trình còn xúc tiến để giảng viên trẻ ngành logistics của các trường trải nghiệm trực tiếp tại doanh nghiệp, từ đó góp phần giúp cho giảng viên nâng cao tính sinh động, trực quan và thực tế ngành nghề trong các tiết dạy cho sinh viên. Nhiều trường đại học có đào tạo chuyên ngành có liên kết với nước ngoài...

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhiều lợi thế vị trí chiến lược, nhu cầu về phát triển công nghiệp, dịch vụ. Do đó, nhu cầu tuyển dụng các lao động, nhất là lao động lành nghề trong các ngành kỹ thuật của doanh nghiệp rất lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập, nhiều dự án lớn sắp được triển khai trong khu vực. Điều này vừa là cơ hội lớn, vừa là thách thức cho các trường đại học, cao đẳng, đào tạo nghề trong vùng, trong đó có Đồng Nai.

Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) là trường cao đẳng nghề đầu tiên ở Việt Nam được đầu tư xây dựng trở thành trung tâm đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là một trong những đơn vị giáo dục nghề nghiệp của Đồng Nai có chương trình liên kết đào tạo nhân lực phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

ThS.Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 chia sẻ, với nguồn lực hiện có, nhà trường có thể đào tạo một số ngành nghề liên quan đến kỹ thuật vận hành, bảo trì dây chuyền phục vụ mặt đất, vận hành các trạm khí, trạm xăng dầu… của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nhà trường đã có kế hoạch kết hợp với các viện, trường nghiên cứu về khoa học hàng không trong và ngoài nước để đáp ứng việc đào tạo lao động phục vụ sân bay phù hợp với các tiêu chuẩn hàng không.

Lam Phương (tổng hợp)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201912/phat-trien-nguon-nhan-luc-cho-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-2980733/