Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã định hướng phát triển giáo dục và đào tạo: 'Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài'.

Coi trọng chất lượng đào tạo

Ðổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm chỉ đạo đến cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện. Cùng với việc triển khai trong thực tiễn, các chủ trương đổi mới của Ðảng đã được luật hóa.

Trong 2 năm (2018 - 2019), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục được soạn thảo, thông qua và đi vào cuộc sống. Giai đoạn 2010 - 2020 đánh dấu bước thay đổi của giáo dục Việt Nam gắn với thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI, XII của Ðảng. Trong đó, đột phá chiến lược là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân. Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh là phải tạo được sự đột phá trong lĩnh vực này.

Theo TS.Châu Văn Lương - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT tức là đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp để nâng cao chất lượng từ mầm non đến giáo dục đại học. Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã cụ thể hóa Chiến lược Phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020.

Trước đây, giáo dục nước ta thiên về kiến thức, nặng về lý thuyết. Những năm gần đây, giáo dục đã có những bước chuyển mình, chú trọng phát triển giáo dục toàn diện, đào tạo gắn lý thuyết với thực tiễn. Đối với giáo dục đại học phải có chuẩn đầu ra. Trong đổi mới căn bản giáo dục hiện nay, thì chất lượng được đặt lên hàng đầu. Chất lượng được đề cập ở đây là chất lượng về nội dung lẫn giải pháp. Có hai nhóm giải pháp gồm: Nhóm giải pháp đột phá, đó là đổi mới quản lý giáo dục và nhóm giải pháp then chốt là phát triển đội ngũ nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý.

Thầy và trò Trường THPT số 2 Tư Nghĩa trong giờ học.

Nghị quyết đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX cũng xác định tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học; từ chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Chú trọng GD&ĐT con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đào tạo, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng. Đổi mới và nâng cao chất lượng các trường đào tạo nghề theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Còn khoảng cách giữa các vùng miền

Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trên tinh thần Nghị quyết 29 đã đem lại những kết quả khả quan. Các thầy cô giáo đã tích cực, chủ động trước những đổi mới. Học sinh chủ động trong học tập, rèn luyện. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận đó là sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái cho rằng, miền núi có nhiều thiệt thòi so với các khu vực còn lại. Các em thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Năng lực của học sinh miền núi còn hạn chế nên việc lĩnh hội tri thức mới còn chậm so với mặt bằng chung.

Trước thực trạng trên, các cơ sở giáo dục của các huyện miền núi đang nỗ lực từng ngày để tiệm cận dần với giáo dục đồng bằng. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ Huỳnh Giang Nam chia sẻ: Địa phương xác định xây dựng một số trường trọng điểm để tiệm cận với đồng bằng. Huyện thực hiện điều động giáo viên vừa có tâm, vừa có tầm ở các trường vùng sâu vùng xa về các trường trọng điểm để phát triển giáo dục mũi nhọn, nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương.

Ngoài việc ưu tiên về nhân lực, các trường trọng điểm cũng được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất để xây dựng trường đạt chuẩn. Hai năm gần đây, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện bắt đầu tổ chức thi tuyển đầu vào để chọn những nhân tố nổi trội từ các xã. Nhờ vậy, chất lượng học sinh của trường được nâng lên và có học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện. Đối với các trường vùng sâu, vùng xa, ngành giáo dục tập trung phổ cập hết cấp 2.

Bên cạnh việc đưa ra các giải pháp để nâng dần chất lượng giáo dục, các trường miền núi cũng chú trọng đến việc tăng cường các kỹ năng cho học sinh. Hiệu trưởng Trường THPT Ba Tơ Ngô Văn Hải cho hay: “Học sinh miền núi vốn rụt rè, chưa tự tin trong giao tiếp... Vì vậy, nhà trường đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm nhằm khắc phục dần những mặt hạn chế, giúp các em tự tin hơn...".

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202101/phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-va-trong-dung-nhan-tai-3039153/