Phát triển nguồn lực thể thao trong trường học

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo tri thức, việc hướng dẫn các em phát triển thể chất toàn diện thông qua hoạt động thể dục - thể thao được ngành chuyên môn quan tâm. Hiện nay, nhiều địa phương xem học sinh là lực lượng quan trọng để hình thành, phát triển các môn thể thao thế mạnh của mình.

Dù là huyện đầu nguồn với những khó khăn nhất định về cơ sở vật chất nhưng An Phú đã và đang nỗ lực trong việc đào tạo nguồn vận động viên trẻ trong nhà trường. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện An Phú Nguyễn Thị Kim Hà thông tin: “Chúng tôi hướng đến việc xây dựng nguồn lực vận động viên trẻ từ các trường học, tập trung vào các môn: bóng đá, bơi lội, bi sắt, điền kinh, việt dã. Với sự nhiệt tình và khát khao cống hiến, các em có thể đạt được thành tích khả quan nếu được quan tâm đầu tư, huấn luyện lâu dài. Chúng tôi phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tập trung phát triển các môn thể thao hiện đại trong trường học, nhằm phát hiện những học sinh tiềm năng để bồi dưỡng, rèn luyện các em thành vận động viên năng khiếu cho địa phương”.

Vận động viên trẻ thường là học sinh các trường phổ thông

Theo đó, mục tiêu của Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện An Phú là xây dựng được lớp năng khiếu bơi lội từ phong trào phổ cập bơi, đồng thời mở lớp dạy bóng đá cho học sinh từ 6 - 12 tuổi xuyên suốt năm học, không phải đợi đến dịp hè. Nếu công tác này được thực hiện tốt thì trong tương lai gần An Phú sẽ thực hiện được các lớp năng khiếu thể thao trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là bơi lội. Thực tế, đây là bước đi đúng hướng bởi các em học sinh chính là lực lượng đông đảo và có thừa niềm đam mê với thể thao.

Ngoài huyện An Phú, các huyện, thị xã, thành phố khác rất quan tâm đến thể thao trường học. Những năm qua, TX. Tân Châu được xem là đơn vị có phong trào thể thao trường học phát triển, tập trung ở các môn: đẩy gậy, bóng bàn, bi sắt và bơi lội. Các điểm trường thường cung cấp vận động viên trẻ chất lượng là Trường THPT Nguyễn Quang Diêu và Trường THCS Tân An. Ông Hồ Văn Trọng (Trung tâm Thể dục - Thể thao TX. Tân Châu) thông tin: “Chúng tôi rất quan tâm việc kết nối với các trường học trên địa bàn thông qua những nhân tố tích cực và rất “mặn” với thể thao như thầy Lê Thành Trung (Trường THPT Nguyễn Quang Diêu) và thầy Đinh Hồng Biểu (Trường THCS Tân An). Nhờ sự hỗ trợ của các thầy, chúng tôi đã phát triển được những vận động viên tiềm năng cho thể thao địa phương. Hiện tại, lứa vận động viên của TX. Tân Châu còn khá trẻ và có thể thi đấu nhiều giải nữa. Do đó, địa phương cố gắng tạo điều kiện để những vận động viên xuất thân từ ghế nhà trường thể hiện hết khả năng của mình”.

Bên cạnh những thuận lợi trong việc xây dựng lực lượng vận động viên từ trường học, ngành thể thao cũng đối mặt với những khó khăn. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Phú Tân Từ Văn Đắc phân tích: “Đa số phụ huynh chỉ muốn con em mình xây dựng tương lai bằng học vấn, chứ không mặn mà với thể thao. Vì thế, nhiều gia đình không ủng hộ việc các em phát triển tiềm năng, khiến cho công tác đào tạo, tuyển chọn vận động viên không thật sự thuận lợi. Đôi khi, những học sinh thực sự có tố chất lại bị rào cản gia đình nên không thể tiếp tục với niềm đam mê của mình, nhất là các môn thể thao ít được người dân quan tâm như: thể hình - fitness, quần vợt hay bơi lội”.

Với những thuận lợi và khó khăn nói trên, việc xây dựng nguồn lực thể thao trong trường học cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan song song với công tác tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng được thế hệ vận động viên có chất lượng, tiếp tục mang vinh quang về cho tỉnh nhà như đoàn thể thao An Giang đang làm được tại Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc lần VIII-2018.

MINH QUÂN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/phat-trien-nguon-luc-the-thao-trong-truong-hoc-a236538.html