Phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo: Cơ chế nào thu hút nhà đầu tư?

Bộ Công Thương đang có chủ trương khuyến khích phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo để vừa kịp bổ sung nguồn điện cho những dự báo thiếu điện trong vài năm tới, vừa đảm bảo vấn đề về môi trường. Nhưng khuyến khích bằng cơ chế như thế nào để đảm bảo mục đích đủ điện cho phát triển kinh tế và thu hút nhà đầu tư tham gia?

Khuyến khích phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo phải bằng cơ chế phù hợp

Khuyến khích phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo phải bằng cơ chế phù hợp

Áp lực phát triển dồn lên nguồn điện năng lượng tái tạo?

Cơ chế thu hút nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) từ Quyết định 11/2017/QĐ-TTg đã cho thấy rõ hiệu quả khi Quy hoạch điện VII đặt mục tiêu đến năm 2025 mới đạt khoảng 4.500 MW điện mặt trời (ĐMT) thì năm 2019, tổng công suất ĐMT đã lên đến gần 5.000 MW. Nhưng phát triển quá nhanh nguồn NLTT trong khi hạ tầng lưới điện không phát triển được đồng bộ là một vấn đề vẫn đang khiến nhà đầu tư bị thiệt hại.

Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch “mặc dù còn tồn tại bất cập về tính đồng bộ trong phát triển giữa nguồn và lưới, việc đưa một lượng công suất lớn ĐMT vào vận hành đã có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong vài năm tới khi mà một số nguồn nhiệt điện than tại khu vực chậm tiến độ”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, định hướng tại Nghị quyết số 55 về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam không phát triển nhiều hơn nữa các dự án điện than đã khiến cho áp lực phát triển nguồn điện dồn lên NLTT vì phát triển nguồn thủy điện vốn dĩ đã khai thác hết tiềm năng.

Tuy nhiên khi phát triển mạnh NLTT, cũng phải đối mặt thách thức lớn vì bản chất của năng lượng sạch là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống. Điều này đặt ra thách thức, làm sao phát triển nhanh và mạnh, trong khi đó phải đảm bảo sự an toàn, tin cậy của hệ thống điện.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, NLTT hiện nay vẫn đang phát triển nóng và tập trung ở một số địa phương nên đã ảnh hưởng lớn đến việc giải tỏa công suất cũng như việc điều độ, vận hành hệ thống điện. Đây cũng là vấn đề mà ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương) đưa ra.

Ông Dũng đánh giá, hiện nay lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn điện NLTT; Chưa có đủ nguồn dự phòng, hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp NLTT ở quy mô lớn; chính sách phát triển NLTT không được áp dụng trong thời gian dài; chưa có cơ chế thu hút vốn đầu tư phát triển NLTT thông qua cơ chế đấu thầu nên cũng ảnh hưởng khá lớn đến các dự án điện NLTT và các nhà đầu tư NLTT.

Cơ chế nào cho phù hợp?

Vấn đề đấu nối nguồn điện NLTT vào hệ thống điện quốc gia vẫn đang là câu chuyện chưa có lời giải và việc các nhà đầu tư nguồn NLTT phải chấp nhận chuyện giải tỏa công suất như năm 2019 có thể sẽ tái diễn trong năm 2020 nếu không tìm ra những phương án hợp lý.

Đại diện Sở Công Thương Bình Thuận kiến nghị, nếu ngành điện chưa đủ vốn bố trí cho đầu tư lưới điện thì đề nghị Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng có cơ chế và quy định cụ thể để nhà đầu tư tự đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối để đấu nối lên lưới hệ thống điện quốc gia các nguồn điện NLTT.

Đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch cho rằng, trong Quy hoạch điện VIII cần xác định cụ thể các dự án điện NLTT (các dự án trên 30 MW) về quy mô, công suất, sản lượng trung bình/năm, địa điểm, khối lượng đấu nối vào hệ thống điện và tiến độ xây dựng để tính toán cân bằng công suất, điện năng, chế độ làm việc của hệ thống điện trong ngắn hạn và trung hạn. Ngoài ra, trong phát triển NLTT cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đánh giá, chính sách của Chính phủ đối với điện gió và ĐMT trong giai đoạn hiện nay rất thoáng cho việc phát triển nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức khi cơ chế thay đổi khiến cho nhà đầu tư chững lại.

Ví dụ, với ĐMT, giá mua điện ưu đãi mà Chính phủ dành cho nhà đầu tư trong 2 năm là quá ngắn. Hoặc giá điện gió bị khống chế đến năm 2021 cũng khiến các nhà đầu tư chùn bước. “Trong 10 năm chúng ta mới làm được khoảng 400 MW điện gió, trong đó, Trung Nam có hơn 100 MB nhưng mất hơn 2 năm để làm. Tất cả các thiết bị trong dự án điện gió đều nhập ngoại, thuộc dạng siêu trường, siêu trọng trong khi địa hình Việt Nam vốn rất hẹp nên thi công sẽ mất nhiều thời gian” - ông Tiến nói.

Ngoài ra, theo ông Tiến, còn một lý do khá quan trọng nữa khiến cho các nhà đầu tư lo lắng cho thời điểm “hết 2021 là hết ưu đãi” giá mua điện gió trên bờ chính là việc khiến cho các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài có thể “bắt chẹt” các nhà đầu tư trong nước vì thời gian để đầu tư không còn nhiều. Do đó, hầu hết doanh nghiệp đều đã kiến nghị lùi thời hạn giá ưu đãi đến hết năm 2023 để các nhà đầu tư có thời gian đàm phán mua thiết bị với các nhà cung cấp.

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/phat-trien-nguon-dien-nang-luong-tai-tao-co-che-nao-thu-hut-nha-dau-tu-524985.html