Phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực

Trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, ngành xây dựng Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng cơ sở vật chất cũng như nền tảng kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 60 năm gian khổ, thử thách đã hun đúc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang, tự hào của ngành xây dựng gắn liền với những mốc son lịch sử của cách mạng và dân tộc.

Nhà Quốc hội, một trong những công trình tiêu biểu của ngành xây dựng Việt Nam. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Cách đây 60 năm, ngày 29-4-1958, Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) đã được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 8 và ngày 29-4-1958 đã trở thành Ngày truyền thống của ngành xây dựng Việt Nam. Kể từ đó đến nay, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành đã liên tục, bền bỉ phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Ðảng và Nhà nước giao trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

Giai đoạn Cách mạng Tháng Tám - 1945 đến Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi (1954)

Với tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" và hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn ngành đã tích cực tham gia "Tiêu thổ kháng chiến"; tổ chức tập luyện, sẵn sàng chiến đấu ở hậu phương và các chiến trường; xây dựng các công trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các vùng chiến khu, khu căn cứ và vùng tự do. Một số công trình tiêu biểu của giai đoạn này là: Lễ đài Ba Ðình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; Hội trường họp Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ II tại căn cứ Việt Bắc; Hội trường, khu hội nghị cán bộ Hội nghị Trung ương 5, 6; Hội trường tỉnh Lạng Sơn; Nhà hát ngoài trời ở Thủ đô Hà Nội (10-1954)...

Cũng trong giai đoạn này, Hội nghị thành lập Ðoàn kiến trúc sư của Việt Nam, đơn vị cơ sở đầu tiên của ngành xây dựng, đã được tổ chức vào trung tuần tháng 4-1948, Hội nghị đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu gửi thư động viên, căn dặn. Tại hội nghị này, những phương hướng, nhiệm vụ lớn để xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc đã được khởi thảo.

Giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế ở miền bắc (1954 - 1965)

Ngành xây dựng cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc; giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước. Toàn ngành tập trung củng cố, kiện toàn bộ máy và cán bộ. Tính đến đầu năm 1957, đã có gần 50 nghìn cán bộ, công nhân viên công tác trong ngành, là một trong những ngành có lực lượng đông nhất thời bấy giờ.

Trước sự lớn mạnh về tổ chức, lực lượng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Kiến trúc được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 8. Ðây là một dấu mốc lịch sử, kể từ đây, ngành xây dựng đã chính thức được hình thành với tư cách là một ngành kinh tế quốc dân độc lập, với 14 nhiệm vụ và quyền hạn.

Sau ngày thành lập, hàng loạt các sở, ty, công ty, xí nghiệp, công trường xây dựng đã được thành lập ở các địa phương và tập trung mở rộng, nâng cao năng lực quản lý và sản xuất. Năng lực xây dựng công nghiệp của ngành tăng gấp bốn lần, năng lực xây dựng dân dụng tăng gấp tám lần so với năm 1957.

Ngành xây dựng đã phối hợp các bộ, ngành khác tập trung xây dựng những công trình đầu tiên của chủ nghĩa xã hội, trực tiếp thi công nhiều công trình tiêu biểu như: Nhà máy Thủy điện Thác Bà, các nhà máy điện: Cao Ngạn - Thái Nguyên, Uông Bí, Thanh Hóa; các nhà máy cơ khí chung quy mô: Trần Hưng Ðạo, Duyên Hải; Nhà máy đóng tàu Bạch Ðằng; các nhà máy: Giấy Việt Trì, Xu-pe phốt-phát và hóa chất Lâm Thao, Phân đạm Hà Bắc, Dệt 8/3; các khu công nghiệp tại Hà Nội; Trường Ðảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)… và nhất là Hội trường Ba Ðình, công trình đã đóng vai trò lịch sử qua nhiều thập kỷ.

Giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền bắc, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (1965 - 1975)

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Ðảng và hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành xây dựng nhanh chóng chuyển mọi hoạt động sang thời chiến. Lực lượng lắp máy của ngành đã trực tiếp sản xuất 40 con tàu không số và ba tàu phá ngư lôi phục vụ đường Hồ Chí Minh trên biển, chống phong tỏa của đế quốc Mỹ tại Hải Phòng. Với khẩu hiệu "tay bay, tay súng", lực lượng tự vệ của ngành đã tham gia chiến đấu, bắn rơi sáu máy bay của giặc Mỹ.

Ðã có gần 20 nghìn cán bộ, công nhân trong ngành lên đường chiến đấu tại các chiến trường miền nam, Lào, Cam-pu-chia, tham gia xây dựng một số công trình trụ sở, khu căn cứ trong các vùng giải phóng ở miền nam và công trình phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975; một số khu nhà ở Hà Nội (Khương Thượng, Trung Tự, Giảng Võ) và một số đô thị như Hải Phòng, Vinh, Việt Trì với cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, cùng một số công trình dân dụng, trọng điểm cũng đã được xây dựng như: Nhà máy thủy điện Thác Bà, Nhà máy cơ khí Cẩm Phả, Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội), Ga hàng không Nội Bài, Nhà khách Chính phủ...

Công trình đặc biệt nhất, có ý nghĩa nhất mà ngành xây dựng đã vinh dự được đóng góp sức mình đó là Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn thành trong vòng hai năm (từ năm 1973 đến 1975).

Giai đoạn sau ngày thống nhất đất nước đến trước thời kỳ đổi mới (1975 - 1985)

Ðất nước bước vào thời kỳ mới: cả nước xây dựng, đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngành xây dựng đã nhanh chóng tổ chức, sắp xếp lại lực lượng, hình thành bộ máy quản lý ngành ở miền nam và tập trung toàn lực khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ở miền bắc. Ngành đã hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao trong các kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980); lần thứ ba (1981 - 1985) và tổ chức nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý xây dựng, hệ thống pháp luật về xây dựng một cách có hệ thống hơn.

Giai đoạn này, ngành xây dựng tự hào viết lên bản hùng ca lao động trên công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình, nơi gần 30 nghìn cán bộ, công nhân viên của ngành cùng hơn 800 chuyên gia Liên Xô ngày đêm lao động ba ca, bốn kíp, không tiếc công sức, trí tuệ, mồ hôi và cả máu của mình để chế ngự thành công con sông Ðà hung dữ, làm nên kỳ tích của thế kỷ 20, niềm tự hào của các thế hệ ngành xây dựng.

Thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay

Quán triệt, thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương đổi mới của Ðảng, ngành xây dựng đã có những chuyển biến, đổi mới quan trọng cả về nhận thức, tư duy và hành động, từ đó đã đạt được những kết quả rất nổi bật. Hệ thống pháp luật về xây dựng đã cơ bản hoàn chỉnh, đồng bộ với các luật quan trọng như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, hàng trăm nghị định, nghị quyết, chỉ thị, thông tư, hàng chục nghìn quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng đã cơ bản đủ sức điều chỉnh các hoạt động xây dựng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành ngày càng được nâng cao, phủ kín các lĩnh vực, từng bước quản lý theo quy hoạch, kế hoạch.

Cơ chế quản lý xây dựng có bước đột phá, có phương thức quản lý phù hợp từng nguồn vốn khác nhau, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng từng khâu trong hoạt động xây dựng, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả vốn đầu tư, chống thất thoát, lãng phí. Toàn ngành cũng tích cực rà soát, cắt, giảm các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư xây dựng thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị có sự chuyển biến tích cực về chất lượng và đi trước một bước trong các hoạt động xây dựng. Ðã hoàn thành quy hoạch xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm như Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng thành phố Hồ Chí Minh, Vùng đồng bằng sông Cửu Long... và nhiều khu kinh tế khác. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 77%, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 38%, quy hoạch xây dựng nông thôn khoảng 99,4%.

Công tác quản lý, phát triển đô thị đạt nhiều kết quả. Tiến trình đô thị hóa đã gắn kết từng bước với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tốc độ đô thị hóa khá cao đạt khoảng 37,5%. Ðã hình thành một hệ thống đô thị rộng lớn với 813 đô thị. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại hơn, có tác động thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng và cả nước.

Thị trường bất động sản hình thành và phát triển, huy động khoảng bốn triệu tỷ đồng các nguồn vốn xã hội. Xây dựng nhà ở cho nhân dân được coi là một nhiệm vụ quan trọng và được định hướng cụ thể thông qua Chiến lược quốc gia về nhà ở.

Hoạt động kiến trúc có nhiều đổi mới về sáng tác, lý luận, phê bình, có nhiều tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế. Năng lực xây dựng đã có sự phát triển đột phá, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã từng bước làm chủ khoa học, công nghệ, đủ sức cạnh tranh thắng lợi trên thị trường xây dựng trong nước và từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài. Công nghiệp vật liệu xây dựng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngành xây dựng đã đủ sức xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia quy mô lớn với yêu cầu kỹ thuật rất cao trên tất cả các lĩnh vực dân dụng, công nghiệp và hạ tầng.

Bộ máy tổ chức của ngành đã được củng cố, kiện toàn, cơ bản ổn định từ Trung ương đến địa phương. Ðội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngày càng đông đảo, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao.

Tự hào về truyền thống ngành xây dựng

Vui mừng trước những kết quả đạt được, nhưng không quên những thách thức, khó khăn phía trước và những hạn chế, bất cập còn tồn tại, vì tương lai của Tổ quốc, vì mục tiêu xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ từng mong ước, toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành xây dựng sẽ chủ động khắc phục các hạn chế, kiên định vượt qua thử thách, khó khăn, tiếp tục đoàn kết, quyết tâm, hăng say lao động, không ngừng cống hiến, phấn đấu phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Nhanh chóng tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực công nghiệp xây lắp đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và có khả năng cạnh tranh trong đấu thầu quốc tế. Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu chất lượng cao, ứng dụng công nghệ mới. Tiếp tục hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang 60 năm xây dựng và phát triển của ngành, đóng góp xứng đáng hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PHẠM HỒNG HÀỦy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Xây dựng

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/36204702-phat-trien-nganh-xay-dung-dat-trinh-do-tien-tien-trong-khu-vuc.html