Phát triển ngành phân phối- Hài hòa lợi ích doanh nghiệp

Bộ Công Thương đang nỗ lực học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực và tham vấn ý kiến chuyên gia nhằm định hướng phát triển cho ngành phân phối, trong đó đặc biệt là hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp (DN) lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN nhỏ, thương nhân tại các chợ truyền thống.

Chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm phát triển hệ thống phân phối

Bà Đỗ Phương Dung- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay: Năm 2017, chỉ số tiêu dùng của Việt Nam đạt 115 điểm đã phản ánh sự lạc quan của người tiêu dùng, cũng đồng thời cho thấy tiềm năng phát triển của ngành phân phối. Sự hiện diện của hàng loạt các tập đoàn phân phối đa quốc gia tại Việt Nam như: Aeon của Nhật Bản, Lotte và Emart của Hàn Quốc, Metro của Đức đã minh chứng mạnh mẽ cho sức hút này.

Tuy nhiên, tại Hội thảo “Khuyến nghị chính sách thúc đẩy hợp tác win-win nhằm phát triển ngành phân phối của Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với Viện Phát triển Cải cách Hàn Quốc (ReDI) tổ chức ngày 20/6, đã có không ít các đại biểu lo lắng về tương lai phát triển của ngành phân phối.

Ông Ngô Văn Hiệp- Đại diện một văn phòng luật bày tỏ, hầu hết các DN phân phối FDI tại Việt Nam dưới hình thức siêu thị lớn, thu hút người tiêu dùng, đạt doanh thu lớn nhưng các DN nhỏ và vừa nội địa lại gặp khó khăn về tiêu thụ. Hơn nữa, việc cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước vào hệ thống phân phối của DN nước ngoài cũng gặp rất nhiều trở ngại.

Trước những băn khoăn trên, đại diện của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc khuyến cáo: Từ kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển ngành phân phối của Hàn Quốc cho thấy, vai trò của Chính phủ trong việc ban hành những chính sách phù hợp là tối cần thiết. Theo đó, quy định cụ thể về thời gian, địa điểm kinh doanh của DN lớn, DN FDI nhằm hài hòa lợi ích của các DN. DN lớn thực hiện các hoạt động hướng dẫn về công nghệ, kinh nghiệm quản trị, hỗ trợ mở rộng kênh phân phối, đào tạo nhân lực… cho DN quy mô nhỏ cùng phát triển.

Với các thương nhân kinh doanh tại chợ truyền thống, Chính phủ có thể quy định những mặt hàng chỉ được kinh doanh hoặc yêu cầu các DN lớn cam kết tuyển dụng một số lượng lao động nhất định tại khu vực này.

Ông Nguyễn Văn Hội- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Bộ Công Thương đang nỗ lực tìm định hướng phát triển cho ngành phân phối

Theo ông Nguyễn Văn Hội- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương hiện đang nỗ lực tìm định hướng cho phát triển ngành phân phối. Bên cạnh việc tìm giải pháp dung hòa về tăng trưởng giữa khối DN FDI và DN nội địa, DN lớn và DN vừa và nhỏ, Bộ còn tập trung tìm giải pháp, phát huy được vai trò của chợ truyền thống trong tập quán tiêu dùng của người Việt Nam.

Với những khuyến nghị được đưa ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu, nghiên cứu để ứng dụng phù hợp với thực tiễn của ngành phân phối tại Việt Nam. Đặc biệt trong việc quản lý hoạt động siêu thị, quan tâm đến DN nhỏ và vừa, khuyến khích đưa hàng hóa do DN nhỏ sản xuất vào hệ thống phân phối. Bộ cũng sẽ nỗ lực phối hợp xây dựng cơ chế khuyến khích các nhà sản xuất Việt Nam bảo đảm được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, giúp người tiêu dùng yên tâm, qua đó thúc đẩy hoạt động giao thương.

Riêng với loại hình kinh doanh truyền thống, trong thời gian tới, chợ truyền thống sẽ được tập trung hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, ứng dụng thanh toán hiện đại, kinh doanh hàng hóa có mã số mã vạch….

Việt Nga

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/phat-trien-nganh-phan-phoi-hai-hoa-loi-ich-doanh-nghiep.html