Phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp bền vững

Ngày 1-9, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT) tổ chức Lễ ký kết quy chế phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam giai đoạn 2020-2025.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến nay, cả nước có 5.650 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ, lâm sản. Xuất khẩu 8 tháng năm 2020 đạt 7,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 29,9% giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,32 tỷ USD, tăng 9,6%, lâm sản ngoài gỗ 511 triệu USD, tăng 21,6%. Hiện các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chủ yếu của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với tổng giá trị xuất khẩu 7 tỷ USD, chiếm 89,5% giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam.

 Lễ ký kết giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Lễ ký kết giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định đây là sự kiện hết sức quan trọng đối với ngành lâm nghiệp. Việt Nam là đất nước có diện tích nhỏ trên thế giới, trong đó 2/3 diện tích đất nước là đồi núi và cao nguyên. Để đảm bảo phát triển kinh tế, đời sống, một trong những trọng tâm là bảo vệ, phát triển rừng, rộng hơn là phát triển ngành kinh tế lâm sinh.

Năm 2019, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt trên 11,2 tỷ USD. Năm nay con số xuất khẩu dự kiến sẽ vượt 12 tỷ USD. Việt Nam hiện đang đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á, thứ 5 thế giới về xuất khẩu. Những kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc cả hệ thống chính trị, ngành lâm nghiệp, doanh nghiệp và người trồng rừng.

"Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng các bộ, ngành hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, chiến lược phát triển cho phát triển rừng, ngành lâm nghiệp một cách bền vững ở cả 3 khu vực Chính phủ, doanh nghiệp và người trồng rừng. Mong rằng đây là nền tảng, cơ sở giữa cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội phối hợp chặt chẽ để 3 khu vực cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững cho đất nước mà còn phát triển kinh tế lâm nghiệp Việt Nam ngày một hiện đại, hội nhập và cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/phat-trien-nganh-kinh-te-lam-nghiep-ben-vung-633669